Theo Aboluowang, các cuộc biểu tình phản đối tăng giá nhiên liệu và yêu cầu dân chủ ở Kazakhstan đã ảnh hưởng trực tiếp tới Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cụ thể lực lượng này phải chịu ít nhất 3 thiệt hại lớn.

Thiệt hại đầu tiên của ĐCSTQ là mất đi “người bạn cũ” – cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev.

Nazarbayev trở thành tổng thống của Kazakhstan sau khi Liên Xô tan rã vào tháng 12 năm 1991 và tiếp tục tại vị sau nhiều cuộc bầu cử. Vào tháng 3 năm 2019, sau các cuộc biểu tình kéo dài ở các thành phố trên khắp Kazakhstan, Nazarbayev buộc phải tuyên bố từ chức tổng thống, nhưng vẫn giữ lại chức Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia. Mặc dù không còn quyền tổng thống, nhưng Nazarbayev được cho là vẫn thao túng mọi chuyện ở Kazakhstan.

Nazarbayev bị cho là nhà độc tài, đứng trên pháp luật và hám danh. Nhiều sự kiện xảy ra ở Kazakhstan minh chứng cho điều này. Ví dụ như Hiến pháp Kazakhstan quy định mỗi người chỉ được làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ, nhưng Nazabayev không tuân theo quy định này, ông cũng đồng ý với việc đổi tên thủ đô mới theo tên của mình.

Ông Nazarbayev có quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Vào ngày 3 tháng 1 năm nay, ông Tập Cận Bình đã lần lượt trao đổi điện mừng với Nazarbayev nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo ĐCSTQ gọi ông Nazarbayev là “một người bạn cũ của tôi”, người đáng “trân trọng”, và giữa hai người có “mối quan hệ công việc tốt đẹp và tình bạn cá nhân sâu sắc”.

Trong những năm qua, những “người bạn cũ” của ĐCSTQ đã gặp rất nhiều xui xẻo, chẳng hạn như Tổng thống Saddam ở Iraq, Gaddafi ở Libya, Mugabe ở Zimbabwe, Bashir ở Sudan, và hiện tại, Nazarbayev là người mới nhất trong danh sách này. Đây có thể coi là một đòn tâm lý nặng nề đối với ĐCSTQ.

Thiệt hại thứ hai là Tổng thống Nga Putin đưa quân đến Kazakhstan, điều này cho thấy cả vùng Trung Á vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga. Động thái của Moscows được xem là tín hiệu cảnh cáo ĐCSTQ.

ĐCSTQ đã thâm nhập vào 5 nước Trung Á và cạnh tranh với Nga. Là quốc gia lớn nhất ở Trung Á, Kazakhstan đương nhiên là mục tiêu chính của ĐCSTQ. Vào năm 2013, Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ đã chọn Kazakhstan là địa điểm đầu tiên để đầu tư.

Aboluowang bình luận, lần này ông Putin cử quân đến Kazakhstan bề ngoài là đối trọng với Hoa Kỳ, nhưng đằng sau là bí mật để răn đe ĐCSTQ. Ý tứ đằng sau đó là: “Vào thời điểm quan trọng, Tôi là ông chủ của Trung Á, đừng tưởng rằng bạn có nhiều tiền hơn, thì bạn có thể chống lại tôi”.

Thiệt hại thứ ba là, sau sự kiện này, Kazakhstan sẽ nghiêng về Nga nhiều hơn.

Kể từ khi bùng phát đại dịch covid 19, nhân dịp Hoa Kỳ rút lui chiến lược ở Afghanistan, ĐCSTQ tranh thủ mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Á, trong đó Kazakhstan là một trọng tâm, bằng “ngoại giao khẩu trang” và “ngoại giao chống dịch Covid”.

Để đối phó với đề này, các phương tiện truyền thông lớn của Nga đã cho đăng các bài viết chỉ trích kịch liệt ĐCSTQ vì can thiệp vào công việc nội bộ của các nước Trung Á.

Vào ngày 11 tháng 5 năm 2021, Ribbon, phương tiện truyền thông trực tuyến ủng hộ điện Kremlin, đã đăng một bài viết dài nói rằng trước đây người ta thường tin rằng Trung Quốc chỉ muốn gây ảnh hưởng ở Trung Á trong lĩnh vực kinh tế, nhưng trên thực tế họ đã gây ảnh hưởng lên cả lĩnh vực an ninh và chính trị ở khu vực này.

Sự thâm nhập kinh tế của ĐCSTQ ở Kazakhstan từ lâu đã làm dấy lên sự phẫn uất của một bộ phận không nhỏ người dân Kazakhstan. Các cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn quốc chống lại ĐCSTQ đã nổ ra ở Kazakhstan vài năm trước khiến các nhà chức trách quyết định đóng băng việc bán và cho thuê đất cho người nước ngoài từ năm 2016. Những vi phạm nhân quyền lớn của ĐCSTQ ở Tân Cương với người Duy Ngô Nhĩ, một sắc dân có cả ở Kazakhstan, cũng đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng.

Trước những tai tiếng của ĐCSTQ, Tổng thống Kazakhstan Tokayev tỏ ra muốn hướng về Nga. Tokayev đã loại “người bạn cũ” của ĐCSTQ là cựu tổng thống Nazarbayev khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia để nắm thực quyền.

Sau khi Nga điều quân tới Kazakhstan để cứu giúp chính quyền Tokayev, nếu mọi chuyện êm thấm, rõ ràng, trong tương lai chính phủ Tokayev sẽ càng thân Nga nhiều hơn.

Theo ĐKN