Từ tối ngày 26/8 đến ngày 27/8, tin tức về các vụ thanh trừng những ngôi sao Hoa ngữ nổi tiếng liên tục tăng cao trên danh sách tìm kiếm nóng của Weibo đại lục.

Trong số đó có Trịnh Sảng, ngày 27/8, cô bị cơ quan chức năng thông báo trốn thuế, bị truy thu và phải nộp phạt 299 triệu nhân dân tệ. Nhiều tác phẩm của cô bị xóa khỏi các nền tảng lớn. Tài khoản Weibo của Trịnh Sảng bị cấm vĩnh viễn

Vào tối ngày 26, Triệu Vy bị gỡ tên khỏi các dự án phim ảnh đã tham gia trước 

Ngoài ra, còn có ngôi sao Trương Hằng bị cấm; Hoắc Tôn rút khỏi showbiz; nhiều nhóm người hâm mộ của Triệu Lệ Dĩnh bị cấm…

Ngày 27/8, tờ Netease chỉ ra, chỉ trong vài giờ, một “trận động đất lớn” đã mơ mơ hồ hồ xảy ra trong ngành giải trí. Mục đích đằng sau những động thái nhắm vào giới nghệ sĩ của Bắc Kinh là gì? Dưới đây các nhà phân tích sẽ chỉ ra một số khả năng. 

Thu hoạch của cải 

Chia sẻ với Epochtimes, nhà bình luận Tất Hâm (Bi Xin) cho biết, trong vòng 20 năm qua, các nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã liên kết với các doanh nhân giàu có, tham gia mở rộng về lĩnh vực bất động sản, kinh doanh tài chính và nền tảng Internet. Các nghệ sĩ cũng thông qua các doanh nhân mà làm quen với quan chức của ĐCSTQ. Giới giải trí dễ trở thành công cụ tranh giành quyền lực hoặc trở thành nạn nhân của ĐCSTQ. 

Ông Trần, một viên chức trong thể chế của ĐCSTQ, nói với phóng viên Epochtimes, [với các vụ việc liên quan đến giới nghệ sĩ gần đây] ngoài việc tăng cường kiểm soát, chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí, còn có nhân tố thu hoạch của cải của  ĐCSTQ. 

Ông nói rằng, động thái hiện tại của ĐCSTQ với các nghệ sĩ là [chiến thuật] “cắt rau hẹ”. Muốn “cắt rau hẹ” đầu tiên phải tạo dư luận, khiến toàn dân căm ghét làng giải trí. Sau đó chính quyền trung ương sẽ phạt nặng và thanh trừng họ. Nguyên nhân là do chính quyền trung ương đang gặp khủng hoảng tài chính, nên sẽ nhắm vào nhóm người có thu nhập khủng này mà tiến hành thu hoạch của cải. 

Ông Trần chỉ ra, ĐCSTQ thu hoạch của cải từ những người giàu có, những doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, đối với các ngành công nghiệp và doanh nghiệp của giới “con ông cháu cha” thì không động tới một sợi tóc. Theo ông Trần, những gia tộc quyền quý của ĐCSTQ chiếm tới 90% của cải của Trung Quốc. 

Ông Trần nói: “Ông ta [Tập Cận Bình] dám động đến các gia tộc quyền quý này không? Chẳng qua là nhắm tới những dân chúng không có quyền không có thế, trong bối cảnh không quyền không thế mà tới giết gà dọa khỉ. Chính là như vậy.”

Đàn áp giới nghệ sĩ: Cách mạng văn hóa mới? 

Các nhà phân tích cũng tin rằng, động thái của ĐCSTQ ngoài việc thu hoạch của cải còn có các yếu tố chính trị.

Cao Du (Gao Yu), một nhân viên truyền thông có thâm niên ở Bắc Kinh, đã tweet, những nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm làm trong sạch ngành công nghiệp giải trí đã trở nên không thể ngăn cản. Đây có thể được coi là tiền đề của đề xuất “thịnh vượng chung” của ông Tập. 

Ngày 27 tháng 8, ông Akio Yaita, giám đốc chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun, nói với Đài Á Châu Tự Do: “Chính phủ [Trung Quốc] hiện đang lợi dụng lòng căm thù của công chúng đối với những người giàu có. [Lợi dụng] sự đố kỵ, thèm muốn và căm ghét để  “bắt cóc đạo đức” những người nổi tiếng này. Đầu tiên, đem những người [nghệ sĩ] này quy thành tội phạm, hoàn toàn bôi xấu họ, đây là một việc vi phạm nhân quyền rất nghiêm trọng.”

Ông đề cập rằng trong thời kỳ thảm họa Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, một số nữ diễn viên vì thể hiện tình yêu nam nữ trên TV nên bị gộp thành nhóm “phần tử đạo đức bại hoại”. 

Giờ đây, chính quyền ĐCSTQ cũng đang đứng trên đỉnh cao đạo đức để chấn chỉnh ngành công nghiệp giải trí, khiến dân chúng mù quáng hùa theo ĐCSTQ, giống như đang phát động một lần “Cách mạng Văn hóa Mới”.

Ông Akio phân tích, việc ĐCSTQ đàn áp ngành công nghiệp giải trí cũng có mục đích chính trị là tăng cường kiểm soát xã hội. Các nhà chức trách cho rằng, một số ngôi sao thu hút lượng người hâm mộ khổng lồ. Điều này gây bất lợi cho quyền lực trung tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ví dụ, vụ bắt giữ Ngô Diệc Phàm từng có tác động rất lớn. Một số lượng lớn người hâm mộ của anh ta đã thảo luận tìm cách cướp ngục, cứu thần tượng. 

Cô Diêu, một người thạo tin trong ngành giải trí Trung Quốc đại lục cho biết, một phong trào tương tự như Cách mạng Văn hóa với người nổi tiếng đã bắt đầu ở Trung Quốc. Nhiều người đã thu thập các hành động xấu trong quá khứ của giới nghệ sĩ trên Internet. Bây giờ tất cả những người nổi tiếng ở Trung Quốc đều đang gặp nguy hiểm.

Theo ĐKN