Một người đàn ông họ Giang từng là người hưởng ứng lời kêu gọi “hỗ trợ xây dựng Tân Cương” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông đã đến Tân Cương với tư cách là cảnh sát trong 3 năm. Sau khi xem xét lại những gì mình thấy được và nghe được ở Tân Cương, ông đã phải thở dài ghê tởm với chính quyền ĐCSTQ. Dưới đây là điều mà một cựu cảnh sát tố cáo về nội tình sự đàn áp của ĐCSTQ đối với tộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Tờ Daily Mail của Anh đưa tin, Triệu Đình (Zhao Ting) người chiến thắng giải Oscar 2021 cho đạo diễn xuất sắc nhất từng tiết lộ, Trung Quốc dưới thời ĐCSTQ là một nơi “đầy rẫy lời dối trá”. Một phần lý do khiến cô sống ở nước ngoài một mình là vì cô muốn khiêu chiến với những lời nói dối đó, sau khi trang bị đầy đủ thông tin cho bản thân. Ông Giang, một cựu cảnh sát gần đây đứng lên nói về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của ĐCSTQ, cũng cảm thấy như vậy. Ông muốn phơi bày bộ mặt thật của ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế. 

Ông nói: “Cha mẹ tôi đều là cảnh sát ‘trung thành’ với chính phủ, và tôi cũng tin rằng những gì ĐCSTQ đang đàn áp ở Tân Cương là những phần tử nổi dậy khủng bố, ly khai và Hồi giáo cực đoan. Vì vậy, để thoát khỏi thể chế tham nhũng ở quê nhà, tôi quyết định hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ đi ‘xây dựng Tân Cương’”.

Cựu cảnh sát cho biết, hàng nghìn cảnh sát trong nhóm của ông đã đến Tân Cương. Ông tiếp tục: “Tôi vừa đến đó liền phát hiện bầu không khí ở đó rất lạ. Chúng tôi được thông báo không nên tới gần dân bản xứ, cũng không cần đồng tình với họ. Sau đó, họ dạy chúng tôi sử dụng công nghệ cao để giám sát điện thoại của người Duy Ngô Nhĩ, cách theo dõi thông tin do người Duy Ngô Nhĩ đăng trên mạng xã hội, cách sử dụng hệ thống nhận dạng khuôn mặt để giám sát mọi người. Hơn nữa, ĐCSTQ còn thu thập dữ liệu DNA của từng người Duy Ngô Nhĩ”. 

Những điều kỳ quái ở Tân Cương 

Ông Giang cũng tiết lộ những điều kỳ lạ ở Tân Cương. Tại khu vực này, cứ cách 300 đến 500 mét lại có một đồn cảnh sát; những chiếc loa lớn luôn kêu gọi “yêu đảng, yêu nước và tuân thủ các quy định”. Những đứa trẻ 14 tuổi bị bỏ tù chỉ vì là người Duy Ngô Nhĩ. Những người Duy Ngô Nhĩ phàn nàn về việc không có tiền hoặc muốn đi đến những nơi khác liền bị coi là “chống Đảng”. Một nhóm trẻ em mới chỉ huênh hoang và khoe khoang một chút đã bị gắn cho tội danh “khủng bố”, và bị tống vào tù với mức án mười năm v.v.

Ông tiếp tục: “Không lâu sau khi tôi đến Tân Cương, 300.000 người Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt giữ với tội danh ‘những kẻ tình nghi của các băng nhóm bạo loạn’, có lúc người dân của toàn bộ một ngôi làng đã bị đưa vào trại tập trung”. 

ĐCSTQ gọi các trại tập trung và cải tạo tư tưởng này là các “trung tâm dạy nghề”. 

Ông Giang nói rằng, có hai loại người trong các trại tập trung như vậy, một loại là “học sinh”, một loại là “tù nhân”. Điểm khác biệt duy nhất giữa họ là các tù nhân mặc quần áo có chữ “Tù nhân”. Những người này ăn, ở hay đi lại đều giống nhau. Cai tù sẽ quản những người này, tùy thời điểm mà bị trừng phạt. 

Ông cho biết: “Những người ‘không nghe lời’ hoặc có ‘tư tưởng xấu’ bị khóa trong những chiếc ghế sắt đặc biệt, còng tay chân. Hơn nữa để cho bọn họ nhớ lâu, một lần còng tay kéo dài một hoặc hai tuần, thậm chí ăn uống, đi vệ sinh cũng phải nhờ các tù nhân khác hỗ trợ”. 

Ông Giang bác bỏ tuyên bố lố bịch của ĐCSTQ rằng, những trại cải tạo này là “trung tâm dạy nghề”. Ông hỏi, “Nếu đó là một trung tâm dạy nghề, tại sao những người này không thể về nhà trong kỳ nghỉ?”.

Cựu nhân viên cảnh sát nói rằng, ông và nhiều cảnh sát Trung Quốc biết rằng ĐCSTQ cố tình mở rộng cái gọi là mối đe dọa do người Duy Ngô Nhĩ gây ra, sự đàn áp của ĐCSTQ đã coi toàn bộ người Duy Ngô Nhĩ như kẻ thù. 

Ông nói: “Phạm vi của phong trào đàn áp này rất rộng, và mục đích của nó là để kiểm soát con người, xóa sạch văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ, đồng thời xóa bỏ sự thừa nhận bản sắc riêng của họ. Chỉ cần có người tuân theo truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ, chẳng hạn như không cạo râu và mang khăn che mặt của họ, liền có thể bị thẩm vấn hoặc thậm chí bị bắt”. Ở đây cần nhắc lại một chi tiết rằng, các tài liệu chính thức năm 2015 cho thấy, ĐCSTQ tống người Duy Ngô Nhĩ vào trại cải tạo, đơn giản chỉ vì họ để râu hoặc có người thân ở nước ngoài.

Ngoài ra, ông Giang còn cho biết, trong số các sĩ quan cảnh sát cũng xuất hiện hai loại người. Một loại là các sĩ quan cảnh sát biến thái chuyên dùng việc tra tấn, hành hạ người khác để mua vui; còn lại là những cảnh sát có sự đồng cảm với người Duy Ngô Nhĩ, song những người này cũng có thể bị đưa đi cải tạo. Ví dụ, một giáo sư 50 tuổi ở trường cảnh sát, mặc dù đã có rất nhiều huân chương, nhưng ông đã bị “đưa đi cải tạo” vì có sự đồng cảm với người Duy Ngô Nhĩ.

Ông nói: “Vì vậy, nhiều người biết rằng ĐCSTQ đã mở rộng cái gọi là mối đe dọa [về người Duy Ngô Nhĩ], nhưng không ai dám nói, nói một chút là trở thành ‘chống Đảng’”.

Ông Giang cho biết, mục đích của ông là hy vọng thúc đẩy nền dân chủ ở Trung Quốc. Ông nói: “Mọi thứ ở Trung Quốc đều là một phần của hệ thống ĐCSTQ, vì vậy nếu ai đó muốn thay đổi, thì nhất định phải chiến đấu chống lại hệ thống này, cái hệ thống này  đã giết chết rất nhiều người Trung Quốc”.

Ông kết luận: “Mục đích của tôi khi kể tất cả những điều này là để phơi bày những gì đã xảy ra ở Trung Quốc. Tôi hy vọng thế giới hiểu được bộ mặt thật của ĐCSTQ và biết rằng, rất nhiều người đã bị ĐCSTQ bức hại dã man”.

Ước tính, có hơn 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo của ĐCSTQ. Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã phá hủy hàng nghìn nhà thờ Hồi giáo hoặc đền thờ ở Tân Cương. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã lên án các trại cải tạo này, nhưng chính quyền chưa bao giờ dừng hành ác. Những người “tốt nghiệp” từ các trại cải tạo sau đó bị gửi đến các nhà máy hoặc cánh đồng bông để lao động khổ sai. Còn trẻ em thì bị đối xử như với trẻ mồ côi.

Xem thêm:

VIDEO: TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ THÀNH QUỐC GIA XUẤT KHẨU XÁC CHẾT SỐ MỘT THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

Theo ĐKN