Hễ nói đến Đường Tăng, người ta nghĩ ngay đến câu chuyện bốn thầy trò Đường Tăng trong ‘Tây Du Ký’ đã trải qua vô số khổ nạn trên đường sang Tây Thiên thỉnh kinh. Vậy thầy trò Đường Tăng trong hiện thực là như thế nào? DKN TV xin được chia sẻ cùng quý độc giả, câu chuyện về Đường Tăng và đại đệ tử Khuê Cơ của ông. 

Vào những năm cuối Đại Nghiệp, thời vua Tùy Dạng Đế, chiến tranh xảy ra liên miên, dân chúng lầm than, khổ không tả xiết. Năm 618, nhà Tùy diệt vong. 

Pháp sư Huyền Trang tên tục Trần Huy. Ông sinh năm 602, có thuyết nói là năm 600 (niên hiệu Khai Hoàng thứ 20, đời Tùy), tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam. Trần Huy sinh ra trong một gia đình có truyền thống quan lại. Đời cha của Huyền Trang là Trần Huệ thì dốc tâm vào Nho học, nhưng khước từ con đường quan lộ, chỉ sống cuộc sống áo vải đạm bạc. Tương truyền Huyền Trang từ nhỏ đã nổi danh thông minh, đĩnh đạc, và sớm đã được cha dạy cho các nghi thức hiếu đễ Nho giáo.

Huyền Trang kiên quyết khởi hành từ Trường An và mạo hiểm đến Thiên Trúc để tìm kinh Phật. (Ảnh: Bộ sưu tập của Bảo tàng Quốc gia Tokyo)

Năm 13 tuổi, Huyền Trang xuất gia ở Lạc Dương, trình độ Phật học của ông rất mau chóng đã đạt đến cảnh giới cao thâm. Trong quá trình tu học, Huyền Trang nhận thấy rằng, cùng một bộ kinh nhưng lại có nhiều bản dịch khác nhau; cùng một sự việc nhưng mỗi quyển kinh lại có các cách giải thích khác nhau. Ông luôn tự hỏi, rốt cuộc kinh Phật ban đầu được giảng như thế nào? Khi các tăng nhân trong vùng không còn gì để truyền dạy cho cậu nữa, Huyền Trang bèn đi khắp nơi tầm sư và nghiên cứu Phật Pháp. Đây là lý do chính thúc đẩy nhà sư lên đường đi Thiên Trúc để tự mình tìm hiểu Kinh Phật. Với một cảnh giới Phật học uyên bác, Huyền Trang đi tới đâu cũng được người đời ca tụng. 

Thời ấy, mối bang giao giữa Đại Đường và Đột Quyết ở phía Tây khá căng thẳng. Vậy nên con đường sang Tây vực cũng tiềm ẩn muôn vàn hiểm nguy. Mặc dù bị Hoàng đế người Hán đã ra lệnh cấm thần dân đi du hành qua Ấn Độ, nhưng năm Trinh Quán thứ 3 (năm 629), Huyền Trang liều mình ra đi, chiêm bái quê hương Đức Phật. Ông hy vọng sẽ đắc được ‘Chân kinh’ mà trước đó người Trung Hoa chưa ai từng biết đến.

Sau khi rời khỏi Trường An, Huyền Trang một mình đi về phía Tây.  Chặng đường đến Thiên Trúc quá xa xôi cách trở, có vô số những con đường núi gập ghềnh hiểm trở, gian nan không kể xiết… 

Một ngày, Huyền Trang đặt chân đến miền Bắc Ấn Độ, chuẩn bị băng qua núi tuyết. Khi đi ngang qua một hang động, thì thấy ngoài cửa động có phân dơi, vương vãi đầy ngoài cửa hang. Tam Tạng nghĩ: “Động này có lẽ không có người ở! Nếu không đã không có nhiều phân dơi vương vãi đến như vậy”. Nghĩ vậy, ông bèn bước vào trong động. Đến chỗ cách cửa động không xa, Tam Tạng trông thấy có một lão tăng đang thiền định. Chẳng hay ông lão toạ thiền ở đây từ khi nào, mà những sợi tóc của lão đã dính chặt lại với nhau thành từng mảng, thậm chí chim muông cũng làm tổ trên đầu ông. Bụi bám dày khắp cả khuôn mặt lão tăng, thoạt nhìn ngỡ ông là một pho tượng đất vậy!

Huyền Trang bước đến, lấy tay phủi phủi chút bụi trần còn vương trên áo ông, rồi lấy ra một chiếc chuông mà gõ liên hồi…. Lát sau, vị sư già dần dần động đậy, mở mắt, tỉnh dậy. Thấy vị sư già đã xuất định, Huyền Trang bèn hỏi: 

– Lão đồng tham! Ông ngồi ở đây làm chi vậy?

Vị sư già mấp máy môi, lát sau mới nói được thành câu. Ông nói:

– Tôi đợi ở đây để hồng dương Phật Pháp. Khi Đức Phật Thích Ca xuất thế, tôi nguyện sẽ giúp Ngài ấy truyền Đạo! 

Nghe xong, Huyền Trang nói: 

– Lão đồng tham! Đức Phật đã niết bàn rồi! 

Lão tu sĩ nghe xong, vô cùng ngạc nhiên, hỏi: 

– Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xuất thế khi nào vậy?

Huyền Trang đáp: 

– Đức Phật đã xuất thế hơn một nghìn năm trước. Ngài đã diệt độ rất lâu rồi!.

Nghe thấy vậy, vị sư già rất lấy làm tiếc nuối. Ông bộc bạch với Tam Tạng rằng, ông là tỳ kheo tu hành từ thời Phật Ca Diếp. Vì biết trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ giáng thế, nên đã nhập định đợi Ngài ở đây. Không ngờ nhập định một cái, đã lỡ mất cơ duyên hơn nghìn năm. Nói đoạn, lại tiếp tục chuẩn bị nhập định để chờ Di Lặc xuất thế. Tới khi đó ông sẽ lại giúp hồng dương Phật Pháp! Pháp sư Huyền Trang nghe xong, e rằng lão tăng sẽ lại bỏ lỡ cơ duyên lần nữa, bèn nói:

– Chi bằng lão hãy viên tịch, rồi chuyển sinh đến Đại Đường, đợi sau khi tôi thỉnh được Chân kinh về thì hãy cùng tôi hồng truyền Phật Pháp. Như vậy cũng không uổng công chờ đợi suốt hàng nghìn năm qua.

Lão tăng trầm tư, suy nghĩ hồi lâu, cảm thấy Tam Tạng nói cũng rất có đạo lý, nên đã theo cách của Huyền Trang mà chuyển kiếp một lần nữa. Pháp sư Huyền Trang nói rằng, thân thể hiện giờ của ông đã quá già nua, nên cần phải thay đổi một diện mạo mới. Sau khi đến Trường An, nhất định phải chuyển sinh đến căn nhà màu vàng có ngói lưu ly. Đợi sau khi Huyền Trang thỉnh được Chân kinh từ Thiên Trúc  trở về thì sẽ đến tìm ông. Vị sư già đồng ý! Đoạn, hai người chia tay nhau, mỗi người một ngả; một người đi về hướng đông, một người đi về hướng tây…. 

Sau khi đến Trường An, chưa kịp tìm hiểu kỹ lưỡng, lão tăng đã vội đầu thai vào nhà của tướng quân Uất Trì. Khi ấy Bùi thị đang mang thai. Bà mộng thấy mình đang nâng một vầng trăng toả ánh hào quang sáng rực trên tay. Bà rất hiếu kỳ, muốn giơ vầng trăng lên cao để ngắm nhìn. Không ngờ, bà vừa nâng lên thì vầng trăng liền chui vào trong bụng. 

Thời gian như én đưa thoi, Bùi thị mang thai đặng chín tháng mười ngày, hạ sinh một bé trai kháu khỉnh. Sau này đứa trẻ đã lại theo nghiệp tu hành, lấy tên tự là Hồng Đạo, pháp danh Khuê Cơ. Khuê Cơ trở thành một nhà sư nổi danh lừng lẫy thời nhà Đường, được người đời tôn xưng là Pháp sư Từ Ân. Chính ông đã sáng lập ra phái Duy Thức tông. 

Lại nói chuyện Pháp sư Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh: Vượt qua bao nhiêu kiếp nạn, cuối cùng Huyền Trang cũng đắc được Chân kinh.

Vào ngày 24 tháng Giêng năm Trinh Quán thứ 19 (năm 645), Huyền Trang về đến Trường An. Lúc bấy giờ có hàng trăm nghìn tín đồ và dân chúng ra nghênh đón Pháp sư từ Tây Thiên trở về. Vua Đường Thái Tông cử Tướng quốc Lương Quốc công Phòng Huyền Linh làm người đại diện nghênh đón Pháp sư, và tống tiếp ông đến chùa Hồng Phúc tham gia công tác phiên dịch các trước tác kinh điển.

Khi Huyền Trang trở về Trường An, Hoàng đế đã triệu tập và ban thưởng cho ông.

Khi được Đường Thái Tông triệu kiến, Đường Tăng đứng trước kim Loan điện mà rằng:

– Muôn vạn lần chúc mừng bệ hạ!

Đường Thái Tông lấy làm khó hiểu, bèn hỏi: 

– Ái khanh chúc mừng trẫm chuyện gì?

Pháp sư Huyền Trang đáp:

– Bệ hạ đã có được một vị hoàng tử!

Nhà vua kinh ngạc nói: 

– Ái khanh thật khéo đùa! Trẫm nào có vị hoàng tử nào đâu kia chứ?

Nghe vậy, Pháp sư không khỏi hoài nghi. Ông thầm nghĩ: ‘Rõ là mình đã dặn lão ta đến đầu thai ở đây mà. Vì sao lại….? Tan buổi chiều sớm, Huyền Trang trở về tự viện, nhập định quan sát mới hay, thì ra vị sư già đã đã đầu thai nhầm nhà. Dặn ông đến Hoàng cung, ông ta lại vào nhà của Uất Trì Tông – anh trai của Uất Trì Kính Đức (võ tướng, khai quốc công thần thời Đường). 

Một hôm, Huyền Trang đến viếng thăm quý phủ của Uất Trì tướng quân. Đại tướng Uất Trì hay tin có Pháp sư Huyền Trang ghé thăm thì mừng rỡ, vội vàng đích thân ra nghênh tiếp. Trong lúc chuyện trò, Huyền Trang buột miệng nói: 

– Tiểu công tử dáng vẻ đường hoàng, khí chất bất phàm, nếu xuất gia làm tăng, tương lai nhất định sẽ là bậc danh sư kiệt xuất trong Phật môn! 

Nghe đoạn, Tướng quân Uất Trì nói: 

– Con trai tôi tính tình thô lỗ, cử chỉ ngang ngược. E rằng pháp sư khó mà dạy bảo cho nó được!

Huyền Trang nói: 

– Nếu không phải con của tướng quân, công tử cũng sẽ không có được tài năng này. Nếu không phải là bần tăng, thì cũng sẽ không có ai có thể phát hiện căn cơ của công tử nhà ta!

Uất Trì tướng quân thấy Pháp sư Huyền Trang có phong thái đạo mạo, thanh nhã, hễ mở miệng liền xuất khẩu thành chương, thao thao bất tuyệt. Cảm phục sự uyên bác của Pháp sư, cuối cùng Uất Trì Tông đã đồng ý cho Khuê Cơ xuất gia theo Tam Tạng tu Phật.

Cố nhiên, về phần Khuê Cơ lại kịch liệt phản đối. Khuê Cơ nói, nếu muốn cậu ra nhập Phật môn, thì phải đồng ý ba điều kiện: “1 không đoạn ái dục, 2 không cấm rượu thịt, 3 quá trưa có thể ăn”. Vì để tiện giáo hóa, Huyền Trang tạm thời đáp ứng đủ ba điều kiện của Khuê Cơ.

Truyền rằng, ngay hôm Khuê Cơ xuống tóc trong thành đã xuất hiện một sự việc lý thú, ai nấy đều dõi mắt trông theo: Một thanh niên anh tú cưỡi trên lưng một con tuấn mã, theo sau là ba cỗ xe lớn; một xe chất đầy rượu ngon, một xe chở theo gái đẹp, một xe chở kinh Phật tiến về phía chùa Đại Hưng. Một khung cảnh hết sức náo nhiệt, trên phố người rỉ tai nhau đến xem ‘chuyện lạ đời’ đông như trảy hội. Đại danh ‘Hoà thượng ba xe’, trong phút chốc đã truyền khắp các hang cùng ngõ hẻm. Quả là một câu chuyện khôi hài, nghìn năm lịch sử chưa từng thấy!

Khi đoàn tháp tùng Khuê Cơ đến cổng chùa Đại Hưng Thiện, các tăng nhân trong chùa ai nấy đánh trống, khua chiêng chào đón ‘Hoà thượng ba xe”. Khung cảnh đang tưng bừng, nhộn nhịp… bỗng một tiếng chuông lớn ngân vang từ xa vọng đến. Khuê Cơ bát giác bừng tỉnh! Ông nhớ ra tiền kiếp của mình, rằng đã từng có hẹn ước với Pháp sư Huyền Trang, sẽ cùng ông hồng dương Phật Pháp. Đoạn, Khuê Cơ vội vàng xuống ngựa, và ra lệnh cho ba cỗ xe chở rượu ngon, gái đẹp… quay trở về Tướng phủ. 

Kể từ đó, Khuê Cơ quy y cửa Phật, nghiêm thủ giới luật. Ông trở thành đại đệ tử của Pháp sư Huyền Trang. Pháp sư truyền dạy cho ông 5 loại ngôn ngữ của Thiên Trúc. Năm 25 tuổi, Khuê Cơ đã giúp Huyền Trang phiên dịch kinh Phật. Về sau Khuê Cơ trở thành một trong những cao tăng đại đức, vang danh một thời… 

Xem thêm: Diễn Viên Vai Phật Tổ Của Tây Du Ký 1986 Được Người Đời Vái Lạy, Tôn Kính | Ngẫm Radio

 

Nguồn Sound of Hope
Vũ Dương biên dịch

Đăng theo ĐKN