Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm

Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm

Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm

Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm

Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm
Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm
Thứ sáu, 29-03-2024 01:18, (GMT+07:00)
Cao tăng Thần Tú của Thiền Tông: Bị hiểu lầm suốt cả ngàn năm
13-12-2021 15:20

Cao tăng Thần Tú, người vốn được truyền y bát làm Lục tổ Thiền tông, nhưng dường nhưng sau đó bị lu mờ trước ánh sáng chói lòa của ngài Huệ Năng. Nhưng ngài Thần Tú có thực sự là kẻ thua kém, thậm chí nhiều người còn cho rằng ngài ghen tỵ với tài năng và phẩm hạnh của ngài Huệ Năng hay không?

Từ trái sang phải: Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Lục tổ Huệ Năng, Cao tăng Thần Tú (Tổng hợp từ baike)

Vào những năm thịnh thế thời đại nhà Đường cách nay 1300 năm, có một màn kịch diễn ra tại chùa Đông Sơn ở huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Người đương thời có lẽ không ngờ rằng câu chuyện ấy vẫn được hậu thế say sưa bàn luận suốt cả ngàn năm sau này. Đó là chuyện Thiền tông Lục tổ Huệ Năng chỉ nhờ một bài kệ mà nhận được y bát của Đạt Ma sư tổ. Người đời sau vì thế mà cho rằng Huệ Năng thực là bậc cao tăng phi phàm. 

Trước hết, chúng ta hãy quay ngược thời gian trở về thời điểm đó:

Hôm ấy tại chùa Đông Sơn, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn cho gọi các môn đệ đến và yêu cầu mỗi người làm một bài kệ, xem xem nhận thức về Phật Pháp của họ sâu sắc đến mức nào, từ đó sẽ chọn ra người kế thừa y bát Thiền tông. Các đệ tử vừa nghe nói, liền hữu ý đợi chờ tuyệt tác của đại sư huynh Thần Tú - vốn là người triển vọng nhất trong số các môn đồ.

Rất nhanh chóng, Thần Tú viết:

“Thân thị bồ đề thụ,
Tâm như minh kính thai.
Thì thì cần phất thức,
Mạc sử nhạ trần ai.”

Nghĩa là:

Thân là cây Bồ Đề,
Tâm như đài gương sáng.
Thời thời lau phủi sạch,
Chớ để bụi trần ai.

Sáng hôm sau, sư phụ Hoằng Nhẫn vừa thấy bài kệ liền gật đầu khen ngợi và nói: “Chiểu theo bài kệ này mà tu sẽ tránh khỏi nhập ác đạo và có được thu hoạch rất lớn”.

Các đệ tử nghe vậy liền lớn tiếng tụng niệm, khen ngợi mãi không thôi.

Ngũ tổ Thiền tông Hoằng Nhẫn
Ngũ tổ Thiền tông Hoằng Nhẫn (Nguồn baike)

Lúc ấy có một tiểu sa-di từ sân sau đi đến, vừa đi vừa đọc bài kệ của sư huynh Thần Tú. Huệ Năng đang giã gạo thì vô tình nghe thấy, liền thỉnh cầu sa-di dẫn mình tới xem.

Huệ Năng vốn không biết chữ, vừa hay có một người đến lễ Phật và đọc bài kệ này, ông bèn nhờ viết giúp mình một bài như sau:

“Bồ đề bổn vô thụ,
Minh kính diệc phi thai.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xử nhạ trần ai.”

Nghĩa là:

Bồ Đề chẳng phải cây
Gương sáng chẳng phải đài,
Bản lai không một vật,
Nơi nào dính trần ai?

Đại ý nói rằng: Hết thảy mọi thứ nơi trần thế đều huyễn ảo như bóng ảnh, chỉ cần thân tâm trống rỗng, thanh tịnh, vô vi, thì sẽ không chiêu mời những chuyện thị phi, rắc rối. Bài kệ này khiến quá trình tu hành lâu dài của Phật tử Thiền tông được thăng hoa, đốn ngộ chỉ trong một niệm, giác ngộ được rằng bản tâm bản tính của con người là thanh tịnh và không nhiễm bụi trần.

Có thể bạn đã từng nghe câu chuyện kể trên đây, nhưng những gì xảy ra sau đó lại là điều không mấy ai biết đến.

Có câu nói: “Một viên đá khuấy động ngàn con sóng” (“Nhất thạch kích khởi thiên tầng lãng”). Mọi người xem xong cảm thấy cả hai bài kệ đều xuất sắc, nhưng quyết định cuối cùng là gì thì vẫn phải đợi sư phụ tới bình phẩm. Nào ngờ khi sư phụ Hoằng Nhẫn đến xem, ngài liền cởi giày ra và cầm chiếc giày ấy xóa bài kệ của Huệ Năng, rồi yêu cầu mọi người chớ nghĩ ngợi lung tung mà hãy chiểu theo bài của Thần Tú để tu trì.

Nhưng đêm đến, sư phụ Hoằng Nhẫn lại gặp riêng Huệ Năng để giảng giải “Kim Cương Kinh”, rồi lại lấy y bát tổ truyền trao cho ông và căn dặn rằng: Con hãy cấp tốc băng qua sông đi về phía nam, nhớ phải tàng thân ẩn hình, chờ thời cơ chín muồi mới được lấy y bát ra hồng truyền Phật Pháp ở phương nam.

Chúng tăng hay tin, ai nấy đều bất bình: Đáng lẽ y bát là thuộc về ngài Thần Tú, còn kẻ tiểu tử kia mới đến chùa có vài ngày, dựa vào điều gì mà đắc được tín vật của tổ sư? Không được! Chúng ta cần phải đuổi theo, lấy y bát về trao trả cho đại sư huynh!

Bạn thử đoán xem, lúc ấy Thần Tú nghĩ gì? Muốn biết sự thể ra sao, trước hết chúng ta hãy xem Thần Tú vốn là người như thế nào.

Kỳ nhân Thần Tú

Khi đến chùa Đông Sơn bái Ngũ tổ Hoằng Nhẫn làm sư phụ, Thần Tú đã 50 tuổi rồi. Nhưng ông là một bậc kỳ nhân không giống như những người bình thường. Đúng như tên gọi, Thần Tú thân cao tám thước, dung mạo khôi ngô, dáng vẻ đường hoàng, thần thái tiêu sái, khí chất bất phàm. 

Thần Tú (606-706) vốn mang họ Lý, sinh ra ở Lạc Dương trong những năm loạn thế cuối thời nhà Tùy. Tuổi thơ của ông đã chứng kiến cảnh bách tính vì chiến loạn mà lưu lạc, ly tan, trăm họ lầm than, lòng người oán thán.

Nhưng Thần Tú lại là một thiếu niên anh tài, theo cách nói ngày nay thì là “tài đức vẹn toàn”. Từ nhỏ ông đã đọc rất nhiều kinh điển của cả Nho, Phật, Đạo. Vì muốn tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh và vì để cứu nguy cho trăm họ, ông nhận thấy Phật Pháp phổ độ chúng sinh chính là câu trả lời cho tất cả.

Năm 13 tuổi, Thần Tú xuất gia vào chùa Lạc Dương Thiên Cung, sau đó lại vân du tứ xứ, tìm thầy chỉ dạy. Mặc dù đã qua rất nhiều đền chùa khác nhau và được các vị phương trượng ở đó nhận làm người kế vị, nhưng Thần Tú vẫn rời đi vì cảm thấy chưa thực sự tìm được bậc minh sư mà ông mong cầu.

Một ngày, Thần Tú nghe thấy một vị tăng nhân đang vân du thuyết rằng: “Tu hành nói thì dễ, nhưng thông thường kẻ vấn Đạo thì nhiều mà bậc ngộ Đạo lại ít, người biết Đạo thì lắm mà kẻ hành theo Đạo lại chẳng có bao nhiêu. Nhân sinh tại thế, nếu có thể an định cái tâm này mà không chịu ảnh hưởng nơi cõi tục thì hỏi có mấy ai?”.

Thần Tú cảm thấy rất có đạo lý, bèn đến gặp vị tăng nhân xin thỉnh giáo. Vị tăng nhân liền nói với ông rằng đây chính là lời dạy của Thiền tông Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trên chùa Đông Sơn ở Hoàng Mai, Hồ Bắc. Đại sư không lập văn tự mà chỉ dựa vào tâm ấn Pháp, thực là ảo diệu vô cùng.

Thần Tú cho rằng đây chính là bậc minh sư mà ông hằng tìm kiếm, vậy nên ông không màng khổ nhọc, vượt qua ngàn dặm đường xa, cuối cùng mới đến được chùa Đông Sơn, gặp sư phụ Hoằng Nhẫn đang làm cỏ.

Trong chùa Đông Sơn, các tăng nhân mỗi ngày đều phải ngồi tĩnh tọa, bài trừ hết thảy tạp niệm, coi việc “tọa thiền”, giữ tâm điềm tĩnh và tinh thần tự tại là bài học tu hành. Thần Tú trong lòng vô cùng cảm khái nói rằng: “Đây mới thực là sư phụ của ta”.

Ông quyết định ở lại và học theo sư phụ Hoằng Nhẫn, ngày ngày bổ củi gánh nước, dựa vào khổ tu mà ma luyện bản thân.

Một buổi tối nọ sau khi mọi người vừa tham thiền đả tọa xong, Thần Tú bưng chậu nước đến thỉnh sư phụ rửa chân. Hoằng Nhẫn một chân đạp đổ chậu nước rồi lớn tiếng quát: “Không bụi không bẩn, rửa chân làm gì?”.

Chúng tăng kinh sợ không ai dám lên tiếng, chỉ thấy Thần Tú vẫn điềm tĩnh nhặt chiếc chậu lên và lại đổ đầy nước mang đến, cung kính nói: “Tâm không bụi không bẩn, đệ tử lại mời sư phụ rửa chân”.

Hoằng Nhẫn hỏi: “Nước từ đâu ra?”.

Thần Tú bình tĩnh trả lời: “Thưa sư phụ, là từ giếng múc lên”.

Hoằng Nhẫn tiếp tục hỏi: “Là trong giếng có nước, hay trong chậu có nước?”.

Thần Tú từ tốn đáp: “Thưa, cả hai đều có nước”.

Hoằng Nhẫn lại hỏi: “Vậy thì có gì khác nhau?”.

Thần Tú điềm đạm nói: “Nước trong giếng và nước trong chậu, tuy lớn nhỏ và nhiều ít khác nhau, nhưng cách dùng đều như nhau”.

Hoằng Nhẫn hỏi tiếp: “Nước trong giếng nhiều hơn, hay nước trong chậu nhiều hơn?”.

Thần Tú vẫn điềm tĩnh như trước, đáp rằng: “Nếu như nói về nước, vậy đều nhiều như nhau”.

Hoằng Nhẫn nghe Thần Tú đáp vậy, liền cao hứng cười lớn và gật đầu tán thành: “Vậy từ nay về sau, mỗi ngày con hãy mang nước đến rửa chân cho ta. Con có nguyện ý không?”.

Thần Tú vui vẻ đáp lại: “Thưa sư phụ, đệ tử nguyện ý!”.

Các tăng nhân lắng nghe cuộc đối thoại, lờ mờ không hiểu hàm ý thâm sâu thế nào, chỉ riêng Thần Tú là biết rõ: Sư phụ đã chấp thuận mình rồi.

Thần Tú càng thêm dũng mãnh tinh tấn nên rất được sư phụ xem trọng, chẳng mấy chốc đã trở thành thượng tọa trong chùa Đông Sơn, đảm nhận việc “giáo thụ sư”, giúp chúng tăng giải thích những chỗ còn nghi hoặc và tham ngộ Thiền cơ. Thần Tú tính tình hòa ái đôn hậu, tính cách thận trọng, tỉ mỉ, biết cách khuyên nhủ một cách nhẹ nhàng và giảng giải từ góc nhìn quảng đại, do đó được mọi người vô cùng kính trọng.

Bắc tông Thần Tú
Bắc tông Thần Tú (Nguồn baike)

Thần Tú nghĩ điều gì?

Các tăng nhân đều tin rằng Thần Tú sẽ được trao y bát, vậy mà sư phụ lại truyền y bát cho một người chưa hề xuất gia, thậm chí còn không biết chữ như Huệ Năng. Trong tình huống ấy, Thần Tú sẽ nghĩ gì?

Kỳ thực, vào ngày đại sư Hoằng Nhẫn xóa bài kệ của Huệ Năng, ngài cũng hỏi riêng Thần Tú rằng: “Có lẽ con đã biết, là sư phụ như ta, vì sao lại làm điều ấy?”.

Thần Tú đáp: “Bài kệ của Huệ Năng rất tốt, con đọc thấy cũng được gợi mở rất nhiều. Nhưng có điều, căn cơ mỗi người khác nhau, không phải ai ai cũng phù hợp với bài kệ ấy, dễ khiến người ta ảo tưởng rằng tu Phật có thể đi đường tắt nên không định tâm xuống mà tu cho được, từ đó mà coi thường những khó khăn trong quá trình tu hành, khiến người ta lầm lạc”.

Hoằng Nhẫn đại sư gật đầu và nói: “Chính là như thế! Bài kệ của con là con đường tiệm ngộ, còn bài kệ của Huệ Năng là con đường đốn ngộ. Hình thức tuy có chỗ khác nhau, nhưng mục đích lại như nhau”.

Sau đó, đại sư lại hỏi: “Con nhìn nhận như thế nào về y bát của Đạt Ma sư tổ?”.

Thần Tú nói: “Y bát của sư tổ chỉ là tín vật truyền thừa, chứ không phải Phật Pháp”. 

Đại sư nghe xong, gật đầu tỏ ý hài lòng: “Pháp của Đông Sơn thảy đều ở nơi Thần Tú vậy”.

Rồi ngài nói với ông: “Con đã có thể ngộ về toàn bộ Pháp của chùa Đông Sơn, tương lai con hãy bước ra hồng truyền Phật Pháp. Cho dù không cần đến y bát làm tín vật chứng minh, thì cũng đủ để mọi người tín phụng - Điều này ta có thể yên tâm được rồi”.

Vì thế, khi Thần Tú biết sư phụ trao y bát cho Huệ Năng, kỳ thực tâm lý đã có sự chuẩn bị. Ông hiểu rằng sư phụ đã phải dụng tâm suy nghĩ và cân nhắc chu toàn hết thảy: Huệ Năng là người đại căn khí, ngộ tính cao, nhưng lại chưa xuống tóc xuất gia, về quá trình tu hành vẫn còn nông cạn. Tương lai nếu bước ra truyền Pháp, rất có thể sẽ không được công nhận. Vậy nên Huệ Năng cần có y bát của Đạt Ma sư tổ mới có thể được người đời tín phụng.

Thần Tú nói với các tăng nhân: “Chúng ta nên khiêm tốn học theo Huệ Năng, chứ không nên tự ý tìm cách đoạt lại y bát”.

Nhưng các tăng nhân trong chùa Đông Sơn lại coi y bát truyền thừa là trên hết, cứ như thể không có y bát là không có Pháp vậy. Họ khăng khăng tìm cách đoạt y bát về trả lại cho Thần Tú, đặt ông vào tình huống vô cùng khó xử - giống như ông vì tật đố với Huệ Năng và quá xem trọng y bát truyền thừa mà đã xúi giục các tăng nhân đoạt lại cà sa cho mình vậy.

Lúc này Thần Tú như ngồi trên đống lửa, nhưng ông vẫn bình tĩnh đều đặn mỗi ngày bưng chậu đến rửa chân cho sư phụ, cứ như thế tinh tấn tu hành cho đến khi Hoằng Nhẫn đại sư viên tịch vào năm 674.

Tới lúc này, Thần Tú mới rời chùa Đông Sơn và đến chùa Ngọc Tuyền trên núi Đương Dương ở Hồ Bắc.

Đương Dương Sơn rặng núi nhấp nhô, nước chảy thác bay, hoa thơm chim hót, rất nhiều thiện nam tín nữ đến Ngọc Tuyền dâng hương lễ bái, quả là nơi thánh địa để hồng dương Phật Pháp. Và đúng như sư phụ Hoằng Nhẫn dự kiến, Thần Tú đã đắc Pháp của Đông Sơn, là bậc đức cao vọng trọng. Ở chùa Ngọc Tuyền ông không cần y bát gia trì vẫn có thể truyền rộng Pháp của Thiền tông suốt mấy mươi năm, danh tiếng vang xa, tăng nhân khắp nơi nghe tin đều tìm đến thỉnh cầu. 

Xem thêm:

VIDEO: Khi đức Phật hạ thế, làm cách nào để nhận ra Ngài

 

Minh Hạnh
Theo Cổ Phong - Sound of Hope

Đăng theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP