Tác giả Bồi Mẫn Hân, giáo sư chính trị tại Trường Cao đẳng Claremont McKenna, có bài viết trên Taipei Times phân tích về những hiệu ứng ngược từ các động thái ngoại giao gần đây của Bắc Kinh liên quan tới vụ bông Tân Cương, khiến thế lực này chịu tổn thất không nhỏ. Dưới đây là nội dung chính bài viết của chuyên gia Bồi.

Đầu tháng trước, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc (viết tắng là NPC) đã chính thức thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của nước này. Chiến lược này được cho là để chứng minh rằng chính quyền Trung Quốc có một tầm nhìn kinh tế dài hạn có thể giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, bất chấp cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Tuy nhiên, trước khi mực trên con dấu của NPC kịp khô, Bắc Kinh đã bắt đầu phá hoại cơ hội thành công của chính mình.

Trọng tâm của kế hoạch 5 năm tiếp theo là chiến lược “lưu thông kép”, theo đó Trung Quốc sẽ hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên nhu cầu trong nước và khả năng tự cung về công nghệ. Tham vọng của “lưu thông kép” không những đặt mục tiêu làm tăng sự độc lập của Trung Quốc với thế giới bên ngoài, mà còn muốn các đối tác thương mại lớn phải lệ thuộc vào thị trường của họ.

Trung Quốc đã đặt nền móng cho chiến lược này trong một thời gian. Vào cuối năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) với EU. Ông đã phải nhượng bộ một số để đạt được điều đó, nhưng nó rất đáng giá: Thỏa thuận này có khả năng không chỉ làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc, mà còn kéo châu Âu xa dần Mỹ.
Tuy nhiên, ông Tập hiện đang phá hoại công việc tốt đẹp của mình, bằng cách đầu độc mối quan hệ với các đối tác thương mại quan trọng. Trong vài tuần qua, Trung Quốc đã đưa vào danh sách đen một số thành viên của Nghị viện châu Âu, các nhà lập pháp của Anh và Canada cũng như các học viện và cơ sở nghiên cứu ở châu Âu.

Chắc chắn, các lệnh trừng phạt là để trả đũa: Trước đó EU, Anh và Canada đã trừng phạt một số ít quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến các vụ vi phạm nhân quyền đối với nhóm sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương.

Trung Quốc đang trừng phạt những người chỉ trích để thể hiện sự phẫn nộ của mình trước những cáo buộc này. Tuy nhiên, dù các lệnh trừng phạt có gửi đi bất kỳ thông điệp nào, chúng không tương xứng với cái giá phải trả.

Canada, Châu Âu và Vương quốc Anh cho đến nay vẫn tương đối trung lập trong cuộc cạnh tranh Trung-Mỹ – và vì thế lợi ích họ có được từ Trung Quốc là vẫn giữ nguyên như vậy. Bắc Kinh có thể đủ khả năng để tách rời kinh tế với Mỹ (mặc dù sẽ rất tốn kém). Nhưng nó không thể đủ khả năng tách rời đồng thời với các nền kinh tế lớn của phương Tây.

Hiện Hiệp định kinh tế (CAI) của Trung Quốc với châu Âu đang bị đe dọa mặc dù thỏa thuận vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua. Tuy nhiên, để phản đối các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với một số thành viên, EU đã hủy một cuộc họp gần đây nhằm thảo luận về hiệp định này.

Một số nhà lập pháp châu Âu cho rằng chính quyền Trung Quốc nên phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động cưỡng bức trước khi CAI được thông qua. Tuy nhiên trước tình thế khó khăn, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại càng làm suy yếu thêm triển vọng kinh tế của mình, khi liên tục kích động người dân tấn công các tập đoàn tư nhân vì đã bày tỏ lo ngại về các cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương.

Năm ngoái, nhà bán lẻ hàng may mặc Thụy Điển H&M đã thông báo rằng họ sẽ không sử dụng bông có nguồn gốc ở Tân Cương nữa.

Khi sự kiện tẩy chay bông Tân Cương nóng lên, tuyên bố của H&M từ một năm trước lại bị chú ý và kéo theo một loạt chỉ trích từ những người Trung Quốc “yêu nước”.

Không chịu được sức ép từ dư luận, các công ty thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc đã rút các sản phẩm H&M khỏi nền tảng của họ và những người nổi tiếng Trung Quốc đã hủy bỏ các giao dịch với thương hiệu này. Hơn nữa, được khuyến khích bởi truyền thông nhà nước, phong trào tẩy chay H&M, cũng như các thương hiệu phương Tây khác từ chối bông Tân Cương như Nike, New Balance và Burberry, càng trở nên sôi sục.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc có thể đang “vung quá tay”. Cũng như các công ty đa quốc gia phương Tây muốn bán hàng hóa của họ cho người tiêu dùng Trung Quốc, các công ty Trung Quốc cũng cần các công ty này tiếp tục mua nguyên liệu đầu vào cho họ. Đây là những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.

Hơn nữa, mặc dù quy mô thị trường của Trung Quốc đủ hấp dẫn để khiến các công ty đa quốc gia phải nhượng bộ, nhưng thị trường này vẫn không là gì so với thị trường phương Tây, nơi các công ty phải giữ gìn danh tiếng để không bị mất phần lớn nguồn thu. Ví dụ, vào năm ngoái, hai thị trường hàng đầu của H&M là Mỹ và Đức; Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba, nhưng chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu của họ.

Nói cách khác, H&M có thể để mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng 621 nhà cung cấp Trung Quốc lại không muốn mất khách hàng lớn H&M. Hơn nữa, sự di cư của các công ty đa quốc gia phương Tây khỏi Trung Quốc chắc chắn sẽ buộc các chuỗi cung ứng phục vụ họ cũng phải di chuyển, dẫn đến việc đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và mất đi hàng triệu việc làm.

Vẫn còn thời gian để chính phủ Trung Quốc thay đổi hướng đi. Điều đó có nghĩa là, Bắc Kinh cần cho phép các chuyên gia độc lập quốc tế tiến hành điều tra các trang trại trồng bông ở Tân Cương. Nếu Trung Quốc thực sự không sử dụng lao động cưỡng bức, thì đây là cách tốt nhất để họ chứng minh sự trong sạch và cải thiện quan hệ với các doanh nghiệp và chính phủ phương Tây.

Tuy nhiên, một phản ứng hợp lý như vậy có vẻ khó xảy ra, đặc biệt là khi Bắc Kinh vẫn tin rằng các doanh nghiệp nước ngoài không dám rút khỏi một thị trường lớn như Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc nên nhớ lại rằng, cách đây không lâu, họ cũng tin rằng Mỹ không thể đủ khả năng tách rời với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chuyện đó đã xảy ra. Bắc Kinh đã nhận định sai, và bây giờ họ cũng có thể sai.

VIDEO: MÁU VÀ NƯỚC MẮT SAU CÁC SẢN PHẨM "MADE IN CHINA"

Theo ĐKN