Khổng Tử gặp Lão Tử bốn lần trong đời, lần nào ra về cũng có được sở đắc. Lần cuối cùng gặp Lão Tử, Khổng Tử nói: “Tiên sinh, cuối cùng học trò đã đắc Đạo rồi”. Vậy thì Khổng Tử đã đắc được Đạo như thế nào?

ăm 17 tuổi, Khổng Tử đến thăm Lão Tử lần đầu tiên. Khi ấy, Lão Tử đang cử hành một đám tang ở nước Lỗ. Bởi thế Khổng Tử được chứng kiến tận mắt và học hỏi được nhiều phong tục lễ nghi của chuyện ma chay, cưới hỏi.

Năm Khổng Tử 34 tuổi, khi đã có được một chút thành tựu sở học, thêm một lần nữa gặp Lão Tử hỏi về Lễ: “Học trò nghiên cứu “Kinh thi”, “Kinh thư”, “Chu lễ”, “Chu nhạc”, “Kinh dịch” và “Kinh Xuân Thu”, thuyết giảng đạo trị quốc từ thời Tam Hoàng, hiểu rõ con đường công danh của Chu Công, Triệu Công, học trò đem dâng cho hơn 70 vị vua, nhưng không ai sử dụng. Xem ra con người khó thuyết phục quá!”. Nhìn thấy dáng vẻ có phần hơi tự mãn của Khổng Tử, Lão Tử đã dội một gáo nước lạnh: “Lục nghệ của ông đều là lịch sử cũ xưa của các đời vua xưa, ông thuyết giảng những cái đó có tác dụng gì? Những thứ ông đang tu luyện đều là những tích xưa cũ. “Tích” chính là dấu tích vết giày người ta để lại, dấu chân với dấu chân, thì có gì khác nhau?”.

Lão Tử lại dẫn Khổng Tử thăm Đại phu Trường Hoằng. Trường Hoằng cực kỳ tinh thâm nhạc lý, đã truyền thụ cho Khổng Tử nhạc luật, nhạc lý, đồng thời dẫn Khổng Tử đi quan sát các lễ tế Thần, khảo sát nơi truyền giáo, nghiên cứu các lễ nghi. Điều đó làm cho Khổng Tử cảm thán không ngớt, trong lòng thọ ích rất nhiều.

Khi từ biệt nhau, Lão Tử lại căn dặn Khổng Tử rằng: “Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, sở dĩ gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay chê cái sai của người; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, sở dĩ gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn. Mong ông nhớ kỹ”.

Khổng Tử từ chỗ Lão Tử trở về, suốt 3 ngày im lặng không nói năng gì. Học trò Tử Cống lấy làm lạ bèn hỏi thầy làm sao. Khổng Tử lúc này mới đáp: “Ta đã gặp Lão Tử, thấy cảnh giới tư tưởng ông như rồng ngao du trong thái hư huyền ảo, khiến ta cứ há miệng mãi mà không nói ra lời, lưỡi thè ra cũng không thu lại được, khiến cho ta tâm thần bất định, chẳng biết ông rốt cuộc là người hay là Thần nữa. Lão Đam, thực sự là Thầy của ta!”.

Lần thứ ba gặp Lão Tử, Khổng Tử lại bàn về nhân nghĩa. Ông nói: “Học trò lo đại Đạo không được thực hiện, nhân nghĩa không được thực thi, thì chiến loạn không ngừng, quốc loạn không yên, ví như cuộc đời ngắn ngủi, chẳng có công lao gì cho đời, không thể giúp gì cho dân, vậy thì tiếc lắm thay”.

Mới nghe mấy lời này, Lão Tử đã cười lớn mà rằng: “Trời đất, nhật nguyệt, tinh tú đều theo quy luật mà vận hành. Ông vẫn là hãy thuận theo tự nhiên mà hành sự, nương theo quy luật mà tiến thoái. Ấy mới thực là tốt nhất vậy. Nay ông vội vã phô trương nhân nghĩa khác nào đánh trống mà đi tìm người bỏ trốn, trống càng to thì người chạy càng xa”. Sau khi trở về, Khổng Tử bắt đầu nghiên cứu Kinh Dịch, vốn là một cuốn sách đầy nội hàm nói về sự vận chuyển của quy luật tự nhiên, nghĩa là cao hơn rất nhiều so với những thứ mà trước đây Khổng Tử từng theo đuổi.

Trong “Trang Tử – Thiên vận” có chép rằng: “Khổng Tử năm mươi mốt tuổi vẫn chưa nghe được Đạo”. Quả vậy, đến năm 51 tuổi, vì vẫn chưa lĩnh ngộ được đại Đạo, Khổng Tử lại một lần nữa tìm gặp Lão Tử, đó là lần thứ tư. Lão Tử nói với Khổng Tử rằng: “Đạo là thứ không thể tặng cho người khác, không cách nào nói rõ, cũng không cách nào truyền thụ. Lúc ông có thể nhận thức chính xác về Đạo thì Đạo sẽ lưu lại trong lòng. Khi hành vi của ông phù hợp với Đạo thì Đạo sẽ ở trên thân ông mà triển hiện”.

Lão Tử còn nhắc đến cái gọi là “sự tiêu dao của thần thái”. Theo Lão Tử, thời xưa, đối với những người có hàm dưỡng cực cao mà nói, nhân nghĩa bất quá chỉ là thứ vay mượn tạm thời mà thôi. Họ tự do, tiêu dao không chịu câu thúc trong cõi Thái hư, cuộc sống giản đơn thuần phác, không nợ ai mà cũng chẳng cho ai tài vật hay tình cảm. Tiêu diêu tự tại chính là cái lẽ vô vi. Giản đơn thuần phác, yên ổn mà sống, không nợ ai mà cũng không phải trả ơn ai.

Sau lần ấy, Khổng Tử trở về bế quan ba tháng không ra ngoài, cuối cùng đã thấu ngộ được Đại Đạo.

Lần cuối cùng bái kiến Lão Tử, Khổng Tử nói với ông rằng: “Tiên sinh, cuối cùng học trò đã đắc Đạo rồi. Trước đây, trải qua một thời gian rất dài, học trò vẫn không sao thấu triệt được cái lẽ biến hoá thuận theo tự nhiên của vạn vật. Bởi thế mà không sao giáo hoá được người khác”. Lão Tử nghe vậy, lập tức cao hứng: “Khổng Tử đã đắc Đạo rồi”. Có thể thấy, đó là điều mà Khổng Tử cuối cùng đã lĩnh ngộ được: “Đạo thuận theo Tự Nhiên” và rằng “Đạo khả đạo, phi thường Đạo” (đạo mà có thể luận bàn được thì không phải là đạo vĩnh hằng).

Sau khi nghe Đạo, Khổng Tử trở thành người thế nào? Ông tự nói về mình rằng: “là người ngươi theo đạo nhân, lo lắng quên ăn, vui quên cả sầu, chẳng hề biết tuổi già đã đến”. Lúc này, ngay cả những trạng thái sống cơ bản của một con người, Khổng Tử đều đã quên: quên ăn, quên sầu, quên già, quên cái chết, trong lòng tràn ngập niềm vui thù thắng của người đắc đạo. Như vậy, ông có còn là một người thường nữa không?

Khổng Tử nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” (sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam lòng). Rất nhiều người lý giải câu này nghĩa là buổi sáng nghe được chân lý thì buổi chiều có thể chết cũng cam lòng. Nhưng liệu một người không đắc Đạo thì liệu có thể đạt tới cảnh giới đó chăng? Rất nhiều người tu Phật, tu Đạo cũng tu hành hàng mấy chục năm nhưng lúc lâm chung thì không hề nghĩ tới Phật A Di Đà hay Lão Tử. Thứ mà họ quan tâm lại là cổ phiếu, nhà cửa, đất đai, xe cộ, vợ con, vẫn còn rất nhiều thứ lưu luyến trong đời. Người ấy tuy rằng “được nghe Đạo”, cũng học tập lý thuyết kinh điển nhưng hoàn toàn không thể đạt tới cảnh giới “có thể chết cũng cam lòng”. Bởi vì đơn giản là họ không thấu ngộ được đại Đạo chân chính.

Cũng có người hiểu hàm nghĩa của “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” chính là “xả thân vì nghĩa”, “sát sinh để làm điều nhân nghĩa”… Thế nhưng trong thế giới mà đạo đức đã ngày một trở nên bại hoại này, có rất nhiều thứ giả dối, tà ác, ma quỷ cũng khoác lên mình chiếc áo “chính nghĩa”. Thậm chí các phần tử khủng bố cũng lấy việc đánh bom cảm tử gọi là “tử vì đạo”. Tuy vậy, đó chẳng qua cũng chỉ là thủ đoạn lừa dối, kích động cảm xúc nhất thời của con người, không phải là biểu hiện đích thực của lý trí.

Kỳ thực “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” là cảnh giới của người tu luyện, là khi tinh thần của con người đã đồng hoá với vũ trụ, trời đất và tự nhiên. Trong hết thảy được mất của cuộc đời, thậm chí là chuyện sinh tử, một người tu luyện đã sớm không còn vướng bận gì nữa. Nói cách khác, họ đã đạt tới cảnh giới của Chân Nhân, của một vị Thần.

Theo Secret China
Tịnh Văn biên dịch

Đăng theo ĐKN