Một phụ nữ Trung Quốc đã bị mù tạm thời một bên mắt do căng thẳng quá mức, sau khi dành quá nhiều thời gian xem điện thoại, Cult of Mac cho hay.

Võng mạc của nữ bệnh nhân này bị vỡ do “căng thẳng quá mức”, sau khi sử dụng điện thoại thời gian quá lâu.

Theo bác sĩ Qiu Wangjian tại Bệnh viện nhân dân Songgang ở Thâm Quyến, vụ việc đáng tiếc xảy ra sau khi người phụ nữ dành thời gian dài nhìn chằm chằm vào điện thoại. 

Trung Quốc: Cô gái bị mù tạm thời vì chơi điện thoại suốt đêm
Các bác sĩ nỗ lực cứu vãn thị lực cho nữ bệnh nhân bằng phương pháp la-ze (ảnh: AsiaWire).

“Nữ bệnh nhân này thức suốt đêm chơi điện thoại”, bác sĩ Qiu cho biết. “Sáng hôm sau, ngay khi tỉnh dậy, cô lại cầm điện thoại lên dùng tiếp. Khoảng 5 phút sau, cô phát hiện mình không thể nhìn bằng mắt trái. Cô không thể nhìn thấy bất cứ điều gì bằng mắt này”.

Cô đã nhanh chóng đến bệnh viện, và được các bác sĩ chẩn đoán vỡ mạch bề mặt võng mạc do chịu quá nhiều căng thẳng. 

Trung Quốc: Cô gái bị mù tạm thời vì chơi điện thoại suốt đêm
Dùng điện thoại quá lâu tiềm ẩn nguy cơ mất thị lực (ảnh: warfarehq.us).

“Điều quan trọng là chúng tôi cần điều trị sớm để cô ấy không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng lâu dài nào”, bác sĩ Qiu cho hay.

May mắn thay, thao tác cấp cứu nhanh chóng của các bác sĩ đã cứu vãn được đôi mắt của nữ bệnh nhân. Họ đã cắt một lỗ nhỏ trên võng mạc cho phép máu tụ thoát ra ngoài. Hiện tại bệnh nhân đang hồi phục sau phẫu thuật. Cô đã lấy lại thị lực của mình.

Trung Quốc: Cô gái bị mù tạm thời vì chơi điện thoại suốt đêm
Các mạch máu trên bề mặt võng mạc nữ bệnh nhân đã bị vỡ do căng thẳng quá mức (ảnh: AsiaWire).

Nguy hiểm của việc lạm dụng điện thoại

Tuy rằng là trường hợp hiếm gặp, nhưng câu chuyện này là minh chứng rõ nét về những nguy hiểm đi kèm việc sử dụng điện thoại quá lâu. Trong cuốn sách iGen , Tiến sĩ Jean Twenge đã miêu tả rõ nét các tác động tâm lý của việc sử dụng smartphone trong thời gian dài – đặc biệt khi sử dụng mạng xã hội. Như câu chuyện trên đã chứng minh, có rất nhiều ảnh hưởng không tốt đi kèm việc lạm dụng điện thoại.

Giống với các vấn đề khác, giải pháp cho vấn đề này nằm ở sự điều độ. Nhưng các tính năng như Screen Time sẽ là một trợ thủ đắc lực khi có thể cảnh báo người dùng (hoặc trong trường hợp của trẻ em, cha mẹ của các cháu) tổng thời gian sử dụng thiết bị (chi tiết cho từng ứng dụng cụ thể). Ngoài ra, Screen Time còn có chức năng quản lý thời gian xem điện thoại (screen time), hạn định mức thời gian sử dụng điện thoại, chi tiết đến từng ứng dụng của trẻ, giúp các bậc phụ huynh nắm bắt tốt hơn việc sử dụng smartphone của các cháu.

Theo Đại Kỷ Nguyên