Những hiện tượng siêu nhiên luôn khiến người ta không ngừng thắc mắc. Sở dĩ gọi là siêu nhiên là bởi người ta ai cũng tin vào thứ “mắt thấy tai nghe”, đến khi tận mắt chứng kiến Thần tích thì chỉ có thể gọi đó là những điều không thể lý giải được.

Đường Kế Nghiêu (1883 – 1927) là một tướng quân nổi tiếng thời Trung Hoa Dân Quốc. Trong 14 năm làm Đốc quân tỉnh Vân Nam, ông đã rất chú trọng chấn hưng giáo dục, hồng dương Phật môn, thúc đẩy công nghiệp, giúp người dân có một cuộc sống thịnh vượng. Trong hoàn cảnh gió nổi mây vần, chiến tranh loạn lạc, Đường Kế Nghiêu từng tận mắt nhiều lần chứng kiến những hiện tượng kỳ lạ.  

Cuối xuân cầu tuyết để ngăn ngừa ôn dịch

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 11 (năm 1922), Vân Nam xảy ra bệnh dịch, bách tính thương vong nhiều vô kể. Khi đó, đã 5 tháng không có mưa, Đường Kế Nghiêu đến chùa Hóa Đình, nhờ hòa thượng ở đó cầu mưa. 

Chùa Hóa Đình ban đầu có tên là Viên Giáo, nằm ở bờ phía tây của hồ Côn Minh, nó được nhà sư Huyền Phong đặt tên khi đến núi Bích Kê mở núi. Bởi vì nhiều năm không sửa chữa, ngôi chùa bị hư hỏng nghiêm trọng, nhà sư đã bán lại cho người ngoài. Sau đó với sự giúp đỡ của Đường Kế Nghiêu, ngôi chùa đã được chuộc lại và được điều hành bởi hòa thượng Hư Vân. 

Hoà thượng Hư Vân đã lập một bàn thờ để cầu mưa trong ba ngày, sau đó trời mưa rất to nhưng vẫn không thể ngăn được sự lây lan của bệnh dịch. Đường Kế Nghiêu nói: “Tôi nghe nói nếu trời đổ tuyết thì có thể ngăn được dịch bệnh, nhưng bây giờ đã là cuối xuân, đầu hè làm sao có thể có tuyết đây?”. Hư Vân liền nói: “Tôi lập một bàn thờ ở đây, ngài nên cầu nguyện với tấm lòng chân thành”. Vậy là Đường Kế Nghiêu trai giới sạch sẽ, còn Hư Vân thì bắt đầu tụng kinh. Một ngày sau, trời bất ngờ đổ tuyết, tuyết rơi rất dày. Trận mưa tuyết này đã ngăn chặn được bệnh dịch. Dân chúng vô cùng cảm kích uy lực của Phật Pháp. 

Hòa thượng Hư Vân (ảnh: Ifeng).

Hoà thượng Cụ Hành tự dự đoán được ngày mình viên tịch

Cơ thể con người tự bốc cháy là một hiện tượng phi thường trong nghiên cứu y học hiện đại. Không tiếp xúc với bất kỳ nguồn lửa nào, cơ thể con người sẽ đột nhiên bắt lửa và thậm chí trở thành tro, nhưng các vật liệu dễ cháy xung quanh cũng không hề bắt lửa. Hiện tượng này luôn là một bí ẩn chưa tìm được lời giải. Các trường hợp người tự bốc cháy đã xảy ra ở nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Argentina… 

Tuy nhiên, câu chuyện người tự bốc cháy xảy ra vào năm thứ 13 (1924) của Trung Hoa Dân Quốc hoàn toàn khác với những trường hợp khác. Vào ngày 29/3/1924 (tức năm thứ 13 của Trung Hoa Dân Quốc), một hoà thượng tên là Cụ Hành ở Vân Nam, mặc áo cà sa, ngồi trên một thân cây khô, tay trái cầm cái khánh, tay phải cầm cái mõ, hướng về phía Tây niệm A Di Đà Phật rồi đột nhiên cơ thể tự bốc cháy. 

Những người ở bên ngoài bức tường nhìn thấy một ngọn lửa lớn bên trong ngôi đền, nghĩ rằng ngôi đền đang bốc cháy vội vã chạy đến. Khi đến phía sau đại điện, mới phát hiện đại sư đã ngồi trên đống lửa, không động đậy. Áo cà sa trên người ông vẫn còn y như cũ, giày của nhà sư, mõ cá gỗ và khánh đều biến thành tro bụi, rơi xuống mặt đất. Cả căn phòng bốc lên một mùi hương kỳ lạ.

Khi đó những hòa tượng trong chùa đã mời khá nhiều quan chức đến nơi để chứng kiến. Họ vô cùng kinh ngạc và ngay lập tức báo cáo với Đường Kế Nghiêu. Khi Đường Kế Nghiêu mang theo toàn bộ gia đình đến chùa, hòa thượng Cụ Hành vẫn ngồi yên trên đống lửa không hề động đậy. Đường Kế Nghiêu nhìn thấy dung mạo của ông vẫn giống như khi còn sống, liền bước đến trước mặt ông, lấy cái khánh đi. Lúc này cơ thể của Cụ Hành hòa thượng liền sụp xuống biến thành tro.

Đường Kế Nghiêu, các nhà sư và những công chúng có mặt chứng kiến đều vô cùng sốc. Đường Kế Nghiêu yêu cầu chính phủ tổ chức lễ tưởng niệm trong ba ngày, đã có hàng chục ngàn người có mặt tại buổi lễ. Sau đó Đường Kế Nghiêu cũng tự viết một bản tóm tắt toàn bộ sự việc, lưu giữ trong thư viện tỉnh.

Đường Kế Nghiêu (ảnh: Wikipedia).

Khi đó, chuyện Cụ Hành hòa thượng tự hóa đã trở thành sự việc được mô tả hoàn chỉnh nhất trong văn bản, thậm chí còn có một phóng viên đã chụp ảnh lại. Hiện tượng tự hóa này khác hoàn toàn với những hiện tượng tự hóa khác chủ yếu là bởi vì Cụ Hành hòa thượng đã dự đoán trước được sự kiện này. Mặc dù toàn bộ cơ thể chuyển sang màu xám nhưng bề ngoài vẫn giống như còn sống, cơ thể không có dấu hiệu bị đốt cháy. Cho đến khi Đường Kế Nghiêu lấy đi cái khánh, cơ thể hoà thượng mới sụp xuống và trở thành tro.

Để xương hóa thành tro cần phải có nhiệt độ đến cả nghìn độ, nhưng từ bên ngoài có thể thấy toàn bộ cơ thể của hoà thượng Cụ Hành, bao gồm áo cà sa vẫn hoàn toàn còn nguyên vẹn, đến khúc gỗ ông ngồi trên đó cũng không hề bị đốt cháy. Ông có thể khống chế nhiệt độ đốt cháy của lửa và mức độ mà ngọn lửa đốt cháy các vật thể.

Nếu chúng ta suy luận theo lẽ thường thì thực tế này rất khó hiểu. Do đó, một số người cho rằng đám cháy không phải là một đám cháy thông thường mà là ngọn lửa thực sự của Samadhi (Samadhi nghĩa là “Định”). 

Nói về nội công tu hành của Cụ Hành, người ta cũng cảm thấy rất kỳ lạ. Bởi vì gia đình nghèo khổ, ông đem cả gia đình 8 người đến núi Kê Túc xin xuất gia. Ông không biết chữ, tai cũng nghễnh ngãng, bình thường cũng rất kiệm lời. Mỗi ngày ông đều làm rất nhiều việc cực nhọc như trồng rau, xây nhà, nhặt đá, vẩy nước quét nhà, nấu nướng, giúp mọi người sửa chữa đồ đạc và làm đồ dùng bằng tre. Mặc dù làm việc cực khổ nhưng buổi tối ông vẫn niệm Phật, tham thiền nhập định, lễ Phật tụng kinh, dần dần có thể học thuộc những quyển kinh bằng cách ghi nhớ. 

Khi xây dựng tháp Hải Hội, Cụ Hành tự mình gánh đá xây tường. Ông từng nói với Hư Vân rằng, khi tháp đá được xây dựng hoàn thành, ông nhất định sẽ thường xuyên đến đó coi giữ. Không ngờ lời nói này lại trở thành lời tiên tri, ông là người đầu tiên bước vào tháp đá. 

Trước khi tự hóa, ông đã bán hết những vật dụng hàng ngày và quần áo và dùng số tiền đó đem đi cho hết người dân. Trong lòng mọi người đều nghĩ, ông không giữ lại đồ đạc thì sẽ đi đâu? Có người hỏi ông: “Định đi đến phương nào?”. Cụ Hành hòa thượng chỉ cười mà không trả lời. Khi ông tự hóa, người dân mới biết, ông sớm đã dự đoán được ngày mình rời xa thế gian.

Theo Đại Kỉ Nguyên