Cho đến nay, Việt Nam và Đài Loan là hai quốc gia ứng phó rất hiệu quả với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19). Nhưng nguyên nhân căn bản đưa tới hiệu quả này đa số người bên ngoài Việt Nam và Đài Loan không có mấy thông tin.

Trường hợp Đài Loan

Cả thế giới dường như đang tập trung đối phó căng thẳng với đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), sự tập trung thường chú ý vào các nước có diễn biến xấu, vì họ thường ở “tốp đầu”. Không có nhiều thông tin về những nước đã và đang phòng chống đại dịch hiệu quả. Đài Loan là trong những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất ngay từ đầu vì lưu lượng khách qua lại hai bờ eo biển rất lớn.

Ngày 21/01/2020, Đài Loan xác nhận có ca nhiễm đầu tiên là một phụ nữ Đài Loan trở về từ Vũ Hán. Tuy nhiên, chính phủ Đài Loan đã thực hiện các bước phòng ngừa từ rất sớm.Theo Tạp chí Y khoa Mỹ JAMA Network, ngay từ ngày 31/12/2019, Đài Loan đã cho kiểm tra các hành khách có triệu chứng ho, sốt đến từ Vũ Hán. Đến ngày 5/1/2020, phạm vi kiểm tra được mở rộng với tất cả hành khách từng tới Vũ Hán trong 14 ngày trước đó. Tức là Chính phủ Đài Loan đã hành động trước cả khi tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tuyên bố về dịch tới 3 tuần. Đây là “giai đoạn vàng” trong xử lý đại dịch trước khi nó lây nhiễm trong cộng đồng.

Hệ thống y tế Đài Loan đã trải qua kinh nghiệm với đại dịch SARS năm 2003. Do vậy năm 2004, họ đã thành lập Trung tâm Chỉ huy Y tế Quốc gia (NHCC). Trang Web của CDC Đài Loan cho biết, vai trò của NHCC là “giải quyết tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và cung cấp thông tin về thảm họa cho những người ra quyết định”, gồm hệ thống 4 trung tâm khác nhau: Trung tâm chỉ huy chống dịch bệnh, Trung tâm chỉ huy chống thảm họa sinh học, Trung tâm chỉ huy chống khủng bố sinh học và Trung tâm điều hành Y tế khẩn cấp trung ương. Tâm lý đề phòng các thông tin chính thức từ chính quyền Trung Quốc và bài học từ dịch SARS đã khiến chính phủ Đài Loan hành động rất sớm và quyết liệt. Mặc dù Đài Loan không nhận được nhiều thông tin trực tiếp từ tổ chức Y tế thế giới (WHO) vốn bị chính quyền Trung Quốc không chế, nhưng có lẽ chính điều này đã làm cho Đài Loan không bị lệ thuộc vào thông tin sai lệch từ WHO.

NBC News cho biết, mặc dù có quan hệ bất ổn với chính quyền Trung Quốc, nhưng ngày 12/01/2020 Đài Loan đã cố gắng cử một nhóm chuyên gia đến đại lục để trực tiếp tìm hiểu thực tế. Sau đó, chính phủ Đài Loan đã yêu cầu tất cả các bệnh viện kiểm tra và báo cáo các ca nghi nhiễm, xác định người nhiễm virus để theo dõi và cách ly. Những người tới từ vùng dịch bị yêu cầu cách ly tại nhà và Chính phủ sử dụng phần mềm theo dõi vị trí qua điện thoại di động. Những ai tự ý bỏ trốn sẽ bị phạt nặng.

Về loại vật tư thiết yếu là khẩu trang, chính phủ Đài Loan đã cấm xuất khẩu từ cuối tháng 1. Hệ thống phân phối khẩu trang do nhà nước kiểm soát từ trước đó đã được thiết lập để đảm bảo mức giá không quá 6 tệ (4.600đ). Người lớn được phép mua 3 khẩu trang và trẻ em được mua 5 khẩu trang/tuần. Trang Taiwan News cho biết, chính phủ đã đầu tư 200 triệu Đài tệ (6.6 triệu USD) để kêu gọi các doanh nghiệp tập trung tạo ra 60 dây chuyền sản xuất chỉ trong vòng 25 ngày. Do đó đã nâng quy mô sản xuất khẩu trang của nước này từ 4 triệu chiếc/ngày lên 10 triệu chiếc/ngày từ giữa tháng 3/2020. Tổng thống Thái Anh Văn đã khen ngợi: “khi đối mặt với thử thách, người Đài Loan sẽ gác lại sự cạnh tranh và làm việc cùng nhau. Cho tới tháng 04/2020, Taiwan News cho biết năng lực sản xuất khẩu trang y tế của Đài Loan đã nâng lên tới 15 triệu cái/ngày, một con số không tưởng.

Cho đến ngày 16/04/2020, Đài Loan xác nhận có 395 ca mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó có tới 86% là những cư dân Đài Loan trở về từ nước ngoài. Trung tâm chỉ huy chống dịch Đài Loan (CECC) cho biết không có ca nhiễm mới trong hai ngày 14 và 16/04/2020. Nó cho thấy khả năng kiểm soát dịch của chính phủ Đài Loan rất xuất sắc. Cho đến nay, Đài Loan là một trong số hiếm hoi các nước trên thế giới mà học sinh các cấp vẫn đi học bình thường, hầu hết các hoạt động trong xã hội cũng diễn ra bình thường.

Trường hợp Việt Nam

Cho đến ngày 17 tháng 4, theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế Việt Nam, có 268 người được xác nhận dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán, trong đó có xấp xỉ 60% là các trường hợp từ nước ngoài về và chưa ghi nhận có người chết vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

Xét về năng lực công nghệ và quy trình kiểm soát của hệ thống các cơ quan chức năng, Việt Nam chưa thể so sánh được với Đài Loan, gồm cả năng lực sản xuất khẩu trang, sử dụng công nghệ kiểm soát người nghi nhiễm và hệ thống y tế. Việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc vì nhiều lý do Việt Nam cũng không thực hiện sớm và mạnh như Đài Loan. Vậy kết quả kiểm soát dịch rất tốt của Việt Nam đến từ đâu?

Thứ nhất là ngay từ đầu cuối tháng 12, đầu tháng 01/2020, ngành y tế Việt Nam đã cảnh giác trước thông tin về “căn bệnh lạ” tại Trung Quốc. Đặc biệt là người dân Việt Nam luôn mang theo tâm lý đề phòng cao với những thông tin về dịch bệnh tại Trung Quốc. Do vậy, dù thông tin chính thức về dịch bệnh trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam thời điểm đầu tháng 01/2020 vẫn rất mờ nhạt. Nhưng thông tin về căn bệnh này trên các mạng xã hội tại Việt Nam đã gây sự chú ý từ rất sớm. Bản thân sự chú tâm của cộng đồng mạng Việt Nam cũng làm cho các cơ quan chức năng chú ý thêm một bước nữa. Các thông tin chính thức cũng ngày càng đưa tin nhiều hơn về tình hình “bệnh viêm phổi lạ” từ Trung Quốc.

Đến khi cả nước Trung Quốc chính thức biết tới tình hình dịch, sau khi tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình thông báo thì tại Việt Nam hầu hết người dân đã sẵn sàng từ trước đó vài tuần. Đây là giai đoạn vàng trong ứng phó với dịch, bởi vì khi lây nhiễm diễn ra trên diện rộng trong cộng đồng thì vấn đề xử lý trở nên cực kì nan giải.

Ngoài động thái của các cơ quan chuyên môn, thì ý thức cẩn trọng của tuyệt đại đa số người Việt về dịch bệnh lần này đặc biệt cao. Các thông tin trên mạng với người Việt lâu nay đã được coi như nguồn thông tin đáng chú ý. Tất cả thông tin về người Trung Quốc đang có mặt gần nơi sinh sống đã được người Việt đặc biệt quan tâm. Do vậy, đa số mọi người khá chủ động trong việc tiếp xúc với người Trung Quốc hoặc người trở về từ Trung Quốc ngay từ đầu dịch. Đặc biệt là từ khi có ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam ngày 23/01/2020 là người Trung Quốc.

Ngay cả hành trình di chuyển, tiếp xúc của hai bố con người Trung Quốc, được cả nước chú ý khi có thông tin, sau đó các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân khác cũng luôn được mọi người chú tâm theo dõi. Do vậy, thay vì trông chờ một giải pháp bài bản khoa học từ chính phủ như Đài Loan, hầu hết người dân Việt Nam đã tự thực hiện việc đề phòng cao độ từ sớm trong tiếp xúc với bất kì trường hợp nào tới từ Trung Quốc. Chủ đề về dịch bệnh hầu như là chủ đề chính trong các câu chuyện hàng ngày của mọi người, thông tin đến từ cả các trang truyền thông chính thức hay cá nhân. Các cơ quan chức năng cũng hành động rất nhanh và hiệu quả, bao gồm cả việc thực hiện cách ly một xã hơn 10.000 nhân khẩu, sau khi phát hiện có một số ca dương tính tại đây v.v…

Có thể nói, Đài Loan và Việt Nam là hai quốc gia bị coi là có nguy cơ cao nhất lúc ban đầu do mức độ người qua lại với Trung Quốc rất lớn. Cho đến nay, các cơ quan truyền thông và chuyên môn trên thế giới, nhìn chung chưa đánh giá hết được nguyên nhân ứng phó hiệu quả của hai nước. Bởi vì xét trên bề mặt thì người nước ngoài rất khó hiểu được rằng, chính tâm lý đề phòng với thông tin chính thức từ chính quyền Trung Quốc và bất cứ điều gì bất thường từ Trung Quốc đã là nhân tố căn bản nhất giúp người Việt Nam và Đài Loan ứng phó hiệu quả với đại dịch. Các quốc gia khác có nhiều thời gian hơn, cũng có chính phủ rất có năng lực và có hạ tầng cơ sở vật chất, nhưng hiệu quả ứng phó vẫn không tốt. Bởi vì chính phủ và người dân ở đó đa số không mang theo tâm lý phòng ngừa thông tin từ chính quyền Trung Quốc như người Đài Loan và Việt Nam.

Bộ trưởng Y Tế Đài Loan Trần Thời Trung nói với đài RFI: “Người dân Đài Loan không tin vào cơ chế dự phòng ở Hoa lục và sự không minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc”. Tổng thống Thái Anh Văn ngày 16/04/2020 có bài viết trên tạp chí Time của Mỹ về kinh nghiệm ứng phó thành công đại dịch. Trong đó có đoạn: “Bài học đau đớn từ dịch SARS năm 2003 vốn rạch một vết thương vào Đài Loan với sự mất mát hàng chục mạng người, đã khiến Chính phủ và nhân dân chúng tôi đề cao cảnh giác”. Có thể nói, thậm chí người Việt Nam còn có nhiều bài học hơn thế, có lẽ vì thế người Việt Nam cũng đang làm rất tốt.

Theo dkn.tv