Vào năm Tống Tương Công thứ bảy thời Xuân Thu, có một trận mưa thiên thạch, cả mưa và sao chổi rơi xuống cùng lúc. Cũng trong năm này còn xảy ra một dị tượng khác: có 6 con chim bay lộn ngược qua kinh đô của nước Tống. Các nhà sử học và các học giả nhìn nhận vấn đề này thế nào? Là thiên nhân tương ứng, là điềm báo chăng? Kết quả cuối cùng nghiệm chứng có chính xác hay không?

Trong “Chu Dịch” có viết: “Thiên thùy tượng, kiến cát hung, Thánh nhân tắc tượng chi; hà xuất đồ, Lạc xuất thư, Thánh nhân tắc chi” (trời xuất hiện các hiện tượng báo trước điềm lành dữ, chỉ có Thánh nhân mới biết xem thiên tượng; Sông Hoàng Hà xuất hiện Hà Đồ, sông Lạc thủy xuất hiện Lạc thư, Thánh nhân phỏng theo chúng).

Câu nói này được coi là chuẩn mực cầm quyền trị nước trong các triều đại xưa, thể hiện triết lý thiên văn “thiên nhân tương ứng”. Thánh nhân quản thiên hạ phải quan sát các thiên tượng báo điềm lành dữ, đồng thời suy ngẫm về ý nghĩa tương ứng của thiên tượng để điều chỉnh và cải thiện được mất của các biện pháp chính trị.

“Chu Dịch” còn nói rõ, thiên tượng là biểu hiện của thiên đạo và có quan hệ tương ứng với mọi sự việc của thế gian. Đây cũng chính là nền tảng của tác phẩm “Sử ký” nổi tiếng của Thái sử công Tư Mã Thiên: “Diệc dục dĩ cứu thiên nhân chi tế, thông cổ kim chi biến, thành nhất gia chi ngôn” (cũng muốn tìm hiểu mối liên hệ giữa trời và người, dự đoán những thay đổi từ xưa đến nay). Trong “Trung Dung” lại viết: “Quốc gia hưng thịnh tất có cát tường; quốc gia suy vong, tất có yêu nghiệt” (điềm lành được coi là cát tường, điềm dữ được coi là yêu nghiệt). Theo sách lịch sử, có nhiều loại thiên tượng báo điềm xấu như: tinh tượng xung phạm, dịch châu chấu, hạn hán, nhiệt độ quanh năm thất thường, mưa đá, tuyết mùa hè, dịch bệnh, nạn đói, chim thú dị hành, thiên thạch rơi…

Trong sử sách lâu đời còn sót lại đã sớm có những ghi chép về mưa thiên thạch. Trong “Sử ký” ghi chép rằng: “Năm Tương Công thứ 7, phất tinh (bội tinh hay còn gọi là sao chổi) rơi xuống đất Tống như mưa rào, cùng lúc này trời đổ mưa”. “Xuân Thu tả truyện” kể rằng năm Lỗ Hi Công thứ 16 (tức năm Tống Tương Công thứ 7), ngày mồng một tháng giêng, có 5 thiên thạch rơi xuống nước Tống. Nhiều học giả Nho học và các bậc thầy về phép Âm dương cũng đã bình luận về sự kiện thiên thạch rơi. Họ luận giải nhân quả của các sự kiện lịch sử tương ứng với năm thiên thạch theo quan điểm “trời giáng xuống thiên tượng, báo trước điềm dữ”.

Học giả thời Hán, Lưu Hướng giải thích thiên thạch là “âm loại dã, ngũ (*khỏa) dương loại dã, tượng âm nhi dương hành, tương chí trụy lạc”. Điều đó nghĩa là gì? Chính là nói: ngôi sao trở thành thiên thành liền biến thành đá mang tính âm, 5 tảng là số dương, tượng trưng cho việc Tống Tương Công cưỡng ép làm bá chủ nước nhỏ, tài đức không đủ gánh vác sẽ dẫn đến ngôi vị không vững, tính mạng cũng sẽ rơi xuống như thiên thạch.

Cũng trong năm đó, ngoài hiện tượng 5 thiên thạch rơi xuống, ở kinh đô nước Tống còn xuất hiện một sự lạ hiếm thấy đó là 6 con chim “bay giật lùi”. Xem trong “Tả truyện – năm Hi công thứ 16” ghi chép: “lục nghịch thoái phi, quá Tống đô”. Khi đó, người Tống còn cho rằng đó là điềm báo dị tượng nhằm vào các chư hầu của nước Tống. Học giả nhà Tấn, nhà quân sự Đỗ Dự nói trong “Xuân thu tả thị truyện chú sơ”: Đây là do việc ở nhân gian xảy ra làm đảo lộn âm dương dẫn đến dị tượng. Vậy cái gọi là “âm dương đảo lộn” đó từ đâu mà ra? Phục Kiền, một học giả lớn thời Đông Hán nói: “Nghịch thối phong, cữu quân hành sở chí”, đã chỉ ra nhà vua có sai lầm lớn nên mới dẫn đến dị tượng. Học giả nổi tiếng nhà Đường – Khổng Dĩnh Đạt  cho rằng dị tượng kia là do tội lỗi của Tống Tương Công.

Kinh đô nước Tống xuất hiện 6 con chim “bay giật lùi”. (Ảnh: Shutterstock)

Hà Hưu, một học giả vĩ đại thời Đông Hán, giải thích rằng số lượng “năm thiên thạch và sáu con chim bay nghịch” xuất hiện trong thời gian Tống Tương Công trị vì chính là điềm báo “thiên nhân cảm ứng”, hơn nữa “thiên đạo rõ ràng, sau đó, những con số này đều đã ứng nghiệm. “Sử ký” ghi chép: sau khi Tề Hoàn Công chết, Tống Tương Công muốn tranh đoạt vị trí minh chủ Xuân Thu. Khi đó anh em, thừa tướng đều dâng thư khuyên “nước nhỏ mà tranh vị trí minh chủ, tai họa khôn lường”. Tống Tương Công đã phản ứng thế nào? Ông ta hoàn toàn không nghe lời khuyên, mùa thu năm thứ mười hai, ông ta tổ chức hội minh các chư hầu ở nơi này, cuối cùng bị Sở Vương bắt được. Sở Vương dùng Tống Tương Công làm con tin tấn công nước Tống, đến mùa đông mới thả ông ta. Mùa đông năm sau, Tống Tương Công giáp chiến với Sở Thành Công tại trận Hoằng thủy, bị thua thê thảm, còn bị thương ở đùi.

Kết quả của sự phát triển lịch sử này hoàn toàn phù hợp với mệnh số “năm thiên thạch và sáu con chim nghịch”: 5 năm sau khi thiên thạch rơi, Tống Tương Công bị Sở Vương bắt làm con tin tại hội minh, 6 năm sau lại đại bại trong trận chiến với quân Sở. Bản thân ông ta cũng vì vết thương ở đùi trong trận đánh đó mà bệnh nặng qua đời.

Khổng Dĩnh Đạt nói rằng: “Âm dương đảo lộn là do tội lỗi trong quá khứ”, “âm dương đảo lộn là kết quả do hành động của con người”. Các dị tượng mưa thiên thạch, chim bay lùi đều là dấu hiệu của đảo lộn âm dương ở nhân gian, là hiện tượng xấu ông trời giáng xuống, đồng thời cũng là điềm báo cho một kết cục chẳng lành. Nhìn thấy các dấu hiệu của hung tượng, các bậc thánh quân, minh quân sẽ thành khẩn và sợ hãi suy ngẫm về những lỗi lầm của bản thân, đồng thời nghiêm khắc sửa mình. Nếu không thể thành tâm sám hối sửa chữa mà quy kết tai họa cho thiên tai, đó chính là làm lẫn lộn đầu đuôi, kết cục tạo nghiệp đền nghiệp trong tương lai gần là không thể xoay chuyển được. Thiên nhân tương ứng, trời gieo thiên tượng, lịch sử hiển hiện, báo ứng không sai.

Theo Secret China
Quỳnh Chi biên dịch

Đăng theo ĐKN