Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?

Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?

Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?

Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?

Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?
Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?
Thứ bảy, 20-04-2024 04:58, (GMT+07:00)
Đi tìm nguyên nhân gốc rễ của thiên tai: Liệu chúng ta có buộc phải “sống chung với lũ”?
29-10-2020 18:51

Ngày nay, con người không chỉ phải “sống chung với lũ” mà còn phải sống chung với những tai họa khác của thiên nhiên. (Ảnh: baoquangbinh.vn)

"Thật là điều đáng buồn khi thiên nhiên nói mà loài người không nghe” - Victor Hugo

Thiên tai càng ngày càng nhiều và trầm trọng

“Sống chung với lũ” - không rõ ai là người đầu tiên nói câu ấy, nhưng chắc chắn nó ra đời trong những năm gần đây, từ khi lũ lụt đã trở nên quá thường xuyên hơn là một hiện tượng bất thường của thiên nhiên… đến mức mà người ta chấp nhận nó như một điều bình thường trong cuộc sống, hay như một thứ tai ách không thể tránh khỏi. 

Nhưng ngày nay, con người không chỉ phải “sống chung với lũ” mà còn phải sống chung với những tai họa khác của thiên nhiên: mưa đá, lở đất, sạt núi, sụp hố tử thần, cháy rừng, sóng thần, động đất, châu chấu, tuyết rơi giữa mùa hè, nắng lửa giữa mùa đông… với mức độ ngày càng dữ dội, ngày càng thường xuyên như thử thách giới hạn chịu đựng cuối cùng của con người trên khắp hành tinh... Ban đầu người ta vô cùng hoang mang sợ hãi, cố gắng tránh né nhưng bất khả thi, đành “sống chung với lũ”, tức là với thiên tai nói chung.

Và cũng chẳng phải chỉ có thiên tai.

Với những tai họa khác của lòng người, của phẩm giá sa sút, của nhân tâm băng hoại… dần dần người ta cũng đành phải đấu dịu, phải nhượng bộ, phải cắn răng chấp nhận mà áp dụng “sống chung với lũ” - lúc này được coi như một thứ phương châm tồn tại, triết lý sống của thời đại mới.

Hình ảnh người chồng bất lực nhìn vợ bị lũ cuốn trôi gây chấn động cộng đồng mạng, trong trận lũ lịch sử ở miền Trung vừa qua. (Ảnh: Facebook)

Nguyên nhân của lũ lụt miền Trung

Có một số lập luận cho rằng lũ lụt miền Trung 2020 là do “Biến đổi khí hậu”, do sự “nóng lên toàn cầu”… có nghĩa là hiện tượng bất khả kháng vì “Biến đổi khí hậu” là vấn đề của toàn thế giới, là trách nhiệm của toàn nhân loại. Tuy nhiên, ngay trong đợt lũ lịch sử này, có nhiều người liên hệ nó với sự biến mất của thảm thực vật rừng ở khu vực miền Trung. Trên mạng xã hội, người ta truyền nhau những bức ảnh vệ tinh của Google Maps cho thấy Việt Nam gần như không còn rừng. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng phá rừng ở Việt Nam vẫn đang diễn tiến nghiêm trọng dù đã có nhiều báo cáo của phía chính phủ Việt Nam cho thấy có nỗ lực để khôi phục rừng.

Từ năm 2010 đến 2015, 300.000 ha rừng tại Việt Nam bị đốn hạ - tương đương với bốn lần diện tích thành phố New York.

Và chỉ riêng trong năm 2018, 10.000ha rừng của Việt Nam biến mất. 

Rừng biến mất, bao nhiêu nước đổ hết xuống đồng bằng, thiệt hại này chẳng trừ một ai.

Thật đúng là “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”.

Đồng thời với sự biến mất rừng là sự mọc lên của các công trình thủy điện vốn ít hiệu quả trong việc phòng chống lũ, ngược lại thủy điện càng đẩy nhanh tốc độ chặt phá rừng, san đồi, san núi, đồng thời tác động tiêu cực tới môi trường, sinh thái, làm tăng xói mòn bờ biển, và gây lũ quét nếu đập bị vỡ…

Chính là rừng, chứ không phải các đập nước, mới có tác dụng chính vừa để điều hòa khí hậu, vừa để trữ nước. 

Hãy lấy đập Tam Hiệp của Trung Quốc làm ví dụ. Người ta nói rằng con đập sẽ có tác dụng trữ nước, giảm lũ. Nhưng thực ra khả năng trữ nước của nó (30 tỷ khối nước) chỉ bằng 1/10 so với khả năng trữ nước của diện tích rừng nguyên sinh đã bị chặt phá trên thượng du của con đập (300 tỷ khối nước). 

Hóa ra, người ta đã “bán bò đi để tậu ễnh ương.”

Trong trường hợp này, ta có thể minh họa bằng lời thở dài đầy ngậm ngùi của đại văn hào Victor Hugo: “Thật là điều đáng buồn khi thiên nhiên nói mà loài người không nghe”.

Tuy nhiên phá rừng, phá hoại môi trường mới là nguyên nhân trực tiếp trên bề mặt. Càng đi sâu hơn nữa chúng ta sẽ lần tìm đến nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó ta mới hy vọng đề ra một giải pháp rốt ráo để hạn chế thiên tai. Muốn vậy, trước hết chúng ta cần phải thừa nhận một số quy luật của vũ trụ vốn được công nhận phổ biến trong văn hóa truyền thống Á Đông: Nhân - Quả và quan hệ Đức - Nghiệp.

Rừng biến mất, bao nhiêu nước đổ hết xuống đồng bằng, thiệt hại này chẳng trừ một ai. (Ảnh minh họa: qua tinmoitruong.vn)

Nhân - Quả và Đức - Nghiệp, gốc rễ của mọi vấn đề

Hãy bắt đầu bằng một câu chuyện văn hóa. 

Vùng Bành Thành nay là Từ Châu, Giang Tô nằm bên bờ Động Đình Hồ đã từng có một món ăn nổi tiếng: “Ba ba Bành Thành”. Món ăn ấy được chế biến như sau: Con ba ba rửa sạch, còn sống, được cho vào một nồi nước nguội, trên thành nồi có khoét một lỗ. Nồi nước được làm nóng rất từ từ, đủ để con ba ba không hay biết. Nó chỉ phản ứng bằng cách thò đầu ra khỏi mai, vươn qua cái lỗ được khoét trên thành nồi ra ngoài để há miệng vì khát và để cho bớt nóng. Mỗi lần như thế, người ta lại đổ vào miệng nó một thìa nước mắm đã pha sẵn ngon ngọt với gia vị thơm tho. Con ba ba cứ thế mà tự ướp mình cho đến chết, đến chín. Đó là chỗ đặc biệt của món Ba ba Bành Thành.

Quả báo đến với tác giả món ăn không lâu sau đó.

Một lần, khu nhà cao tầng nơi tác giả món ba ba Bành Thành ở bị hỏa hoạn, anh này không còn đường thoát, chỉ có cách nhoài người ra cửa sổ vùng vẫy kêu cứu trong sặc sụa khói và lửa nóng mà người ta đều bất lực không cứu được. Cuối cùng anh ta chết theo cách như muôn ngàn con ba ba đã vì phát minh của anh ta mà chết.

Nhân - Quả là một luật của vũ trụ và nó chi phối mọi việc trong đời sống con người. Một cách sơ lược, luật Nhân Quả nói rằng: Khi người ta gây ra một sự việc bằng suy nghĩ, lời nói hay hành động… còn gọi là gieo nhân hay tạo nghiệp thì tương lai sẽ có một kết quả hay hậu quả tương ứng. Tương lai ấy có thể là sớm hay muộn.

Trong vật lý có định luật 3 Newton nói rằng: “Đối với mỗi lực tác động bao giờ cũng có một phản lực cùng độ lớn, nói cách khác, các lực tương tác giữa hai vật bao giờ cũng là những cặp lực cùng độ lớn, cùng phương, ngược chiều và khác điểm đặt.” Đó là một dạng Nhân Quả, trong đó quả báo là tức thì hay quả báo nhãn tiền.

Nhưng có khi cái Quả không đến ngay trong một đời người ngắn ngủi nên nó dễ gây ra sự hoài nghi từ những người ưa thực dụng. Tuy nhiên, nếu nghĩ sâu hơn, ta có thể so sánh Nhân Quả với sự kiện một hạt giống được gieo vào một vùng băng tuyết. Nó không thể nảy mầm nhưng không hư hỏng và có thể đến cả trăm năm, nghìn năm sau ánh mặt trời mới rọi đến khiến tuyết tan, hạt giống tiếp xúc với đất, sẵn có ánh nắng và nước, nó nảy thành cây, ra quả. Nhưng lúc này người gieo hạt đã chết, có khi mang theo quan niệm: “Không có Nhân Quả”. Chẳng phải thế, chỉ là đời người quá hữu hạn để chứng kiến quan hệ Nhân Quả mà thôi.

Vì không theo dõi được quá trình từ Nhân đi đến Quả, người ta còn dễ nhầm lẫn giữa nguyên nhân trực tiếp với cái Nhân gốc rễ trong quá khứ.

Ví như người kia ngã xe nên gãy tay. Ngã xe là nguyên nhân trực tiếp nhưng thực chất cái Nhân gốc rễ có thể lại là trong tiền kiếp họ đã gây ra thương tật cho người khác.

Hay một vùng, một nước nào đó gặp lũ lụt, nguyên nhân bề mặt là vì phá rừng, lấp sông, phá hoại môi trường. Nhưng cái Nhân gốc rễ có khi lại là do những việc làm không tốt tích lại từ bao đời của con người vùng ấy, nước ấy, gọi là tạo nghiệp ác, hay ngắn gọn là tạo nghiệp. Tạo nghiệp ác ngược lại với tạo nghiệp thiện hay tạo phúc đức. Khi một vùng gặp thiên tai, ấy là do đức suy, nghiệp nặng.

Chẳng phải nói xa xôi, khi lũ lụt miền Trung 2020 xảy ra, có bao nhiêu tấm lòng yêu thương đùm bọc của đồng bào cả nước hướng về miền Trung… thì cũng có những người chỉ nhăm nhe để trục lợi từ những đồng tiền từ thiện của đồng bào, đến bắt chẹt trên từng bữa ăn của dân chúng hay của những người đi làm từ thiện, hay chặt chém tiền thuê phương tiện cứu hộ, hay gây khó khăn cho việc cứu hộ bằng nhiều cách cốt để vòi vĩnh...

Mỗi con người có nghiệp riêng của mình, gọi là biệt nghiệp, còn cộng đồng, quốc gia có cộng nghiệp là nghiệp lực tạo nên từ biệt nghiệp của mỗi con người trong cộng đồng. Nghiệp lực của mỗi cá nhân dẫn đến tai họa hay bệnh tật cho cá nhân ấy. Còn nghiệp lực của cộng đồng hay quốc gia dẫn đến những tai họa của quốc gia, trong đó có cả thiên tai.

Muốn thấy rõ quan hệ ấy, chúng ta phải hiểu về quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” của người xưa.

Thiên nhân hợp nhất - sự tương đồng giữa con người và thiên nhiên lý giải cho thiên tai nhân họa

Sách Sáng Thế Ký trong Kinh Thánh Cựu Ước kể về quá trình tạo ra vũ trụ của Thiên Chúa Jehovah trong 7 ngày, ẩn chứa những thông điệp bí mật, trong đó có “Thiên nhân hợp nhất”:

“Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.

... Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Kinh Thánh tiếng Việt, bản truyền thống)

Như vậy, con người mang hình ảnh đức Chúa Trời, thay mặt Ngài mà cai quản mọi thứ trên Trái Đất. Khi Adam và Eva là những con người đầu tiên còn tuân theo lời Chúa Trời và giữ được đạo đức cao thượng thì họ ở một nơi trong vườn Địa Đàng Eden. Nơi đó cây trái xinh đẹp xanh tươi, mưa thuận gió hòa, không bao giờ có thiên tai lũ lụt, không có cỏ dại gai góc trùng độc và họ không cần phải lao động vẫn có cái ăn. Nhưng khi Adam và Eva bất tuân lời Chúa mà ăn trái cấm thì họ đã mất đi cuộc sống vĩnh cửu, bị đuổi khỏi Eden, phải lao động cực nhọc mới có cái ăn trên một mảnh đất “sẽ sinh chông gai và cây tật lê” (trích Kinh Thánh) và nhiều thù địch đe dọa cuộc sống của họ. 

Rõ ràng là khi con người ta tạo nghiệp, tạo Nhân xấu thì sẽ phải nhận Quả xấu và đạo đức con người tương xứng với tình trạng của môi trường sống. Đại Hồng Thủy thời Noah, mà ngày nay người ta đã chứng minh được là câu chuyện có thật, chính là tai họa khi hầu như toàn bộ đạo đức loài người lúc đó đã không thể cứu vãn được nữa.

Đó là một khía cạnh của “Thiên nhân hợp nhất” hay “Nhân sao vật vậy”.

Về “Thiên nhân hợp nhất”, quý độc giả có thể tham khảo thêm ở bài viết trước: “Đập Tam Hiệp - Sự thất bại của một lý thuyết phản tự nhiên”. 

Thiên nhân hợp nhất - Trời và con người tương thông, giống như quan hệ giữa hình với bóng và khí. (Ảnh: Shutterstock)

Trong vòng trời đất, việc gì cũng đều có dấu hiệu dự báo

Thân thể con người là một tiểu vũ trụ, theo quan niệm của Đạo gia, nên có sự tương đồng với môi trường thiên nhiên, trời đất.

Bởi thế nên thời xưa có môn học “tượng số”. “Số” là các môn dự báo thiên về tính toán như Tử vi, Tử bình, Nhâm độn, Thái Ất... “Tượng” là môn nghiên cứu về những hiện tượng, hình tướng để hiểu bản chất bên trong và lường trước sự việc như “Nhân tướng học”, “Chiêm tinh học”...

Người ta thấy rằng trước khi xảy ra bất kỳ sự việc gì đều có dấu hiệu hay hiện tượng báo trước. 

Chẳng hạn như một người bình thường trước khi động thủ đánh người, thường là đã có dấu hiệu tức giận trên khuôn mặt, thân thể. Một con cọp trước khi vồ bao giờ cũng rón rén rình mồi, ngưng thần rồi đập đuôi xuống đất để cất mình chồm tới, đuôi đập sang phải sẽ vồ bên trái và ngược lại. Đó là những tỷ dụ đơn giản.

Cho đến những dự đoán phức tạp hơn cần đến những môn học về “Tượng”.

Nếu đối tượng là con người thì có môn “nhân tướng học”, môn này quan sát tướng mặt, tướng người để dự báo những việc trong tương lai của người ấy. Ví như quan sát gò má nếu thấy ẩn hiện hắc khí thì dễ gặp tai họa, bệnh tật, nếu ánh hồng đầy mặt là có phúc khí, dễ gặp may mắn hay phát tài phát lộc, hoặc đắc ý về tình duyên gia đạo.

Nếu đối tượng là cộng đồng, quốc gia thì có môn “Chiêm tinh học”, người ta căn cứ vào hiện tượng thiên thể hay các sự kiện của thiên nhiên xảy ra trên miền đất ấy mà dự đoán tốt xấu hung cát hay sự việc tương lai của con người nơi ấy. Thời quân chủ, các quan chiêm tinh giữ địa vị rất cao, rất được xem trọng trong triều đình.

Vậy con người trước khi bị bệnh thì sẽ có những dấu hiệu báo trước, đây là công việc của những người có y thuật; trước khi gặp họa thì cũng có hiện tượng phát sinh, đây là công việc của người xem tướng. Còn môi trường sống trước khi gặp tai họa thì cũng có hiện tượng báo trước, đây là công việc của nhà chiêm tinh, hoặc kinh nghiệm của người xưa cũng được lưu lại rất nhiều trong văn hóa dân gian ở dạng ca dao, tục ngữ. 

Ví như ông cha ta có câu: “Mỡ gà thì gió, mỡ chó thì mưa”, có nghĩa là nếu ráng mây có màu vàng giống mỡ gà thì dễ có gió bão, còn phớt hồng giống mỡ chó thì sắp có mưa to. Đây là dự báo ở dạng đơn giản.

Ví như trước đợt lũ lụt miền Trung 2020 này có hiện tượng rất nhiều ốc dạt vào bờ biển Quảng Bình, người già lo ngại nhưng người dân nói chung vui mừng đổ ra thu hoạch, nghĩ là của Trời cho mà không thấy đó là sự cảnh báo về tai họa sắp ập đến để có sự chuẩn bị cần thiết. 

Hay như từ trước khi xảy ra đại dịch viêm phổi Vũ Hán và lũ lụt ở miền Nam Trung Quốc, đã xảy ra rất nhiều hiện tượng lạ: 5 mặt trời mọc cùng một lúc ở Nội Mông, nhiều nơi trên đất Trung Quốc đêm bỗng hóa ngày và ngược lại, chim chóc bay kín trời, tuyết rơi giữa mùa hè, tiếng kêu rống lạ ở cao nguyên Vân Quý… đó chính là hiện tượng báo trước cho tai họa sắp đến mà con người xem ra vẫn vô cùng bị động.

Xem như xưa kia, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từng có lời sấm:

“Trời sinh ra những kẻ gian
Mặc khôn đổi phép, mặc ngoan tham tài
Áo vàng ấm áp đà hay
Khi sai đắp núi khi sai xây thành
Lấy đạc điền làm công thiên hạ
Ðược mấy năm đất lở riếng ( giếng) mòn

Ấy lòng trời xui lòng bất nhẫn
Suốt vạn dân cưu giận nhạn than
Dưới trên dốc trí lo toan
Những đua bán tước bán quan làm giàu
...
Xem tượng trời đã gia ( giơ) ra trước
Còn hung hăng bạc ngược quá xưa
Cuồng phong cả sớm liền trưa
Ðã đờn cửu khúc còn thơ thi đề...”

Chẳng phải đó là lời dự báo cho con người ngày nay hay sao?

Chúng ta vẫn phải nhắc lại lời buồn của Victor Hugo: “Thật là điều đáng buồn khi thiên nhiên nói mà loài người không nghe”.

Chỗ nào nhiều nghiệp, chỗ ấy phát bệnh. Nơi nào nhiều nghiệp, nơi ấy phát họa

Từ bao kiếp sống, con người đã tích tụ rất nhiều nghiệp lực, nghiệp cũ chưa trả hết, nghiệp mới đã chồng thêm lên, nên bệnh tật, tai họa càng nhiều, càng kì dị. Trên thân thể người nơi nào nghiệp lực tập trung thì nơi ấy dễ phát bệnh, nếu không bệnh thì là tai họa. Sẽ có những nguyên nhân bề mặt để hợp lý hóa sự xuất hiện của bệnh tật ví như “hút thuốc lá nhiều dễ viêm phổi”, nhưng cũng có những người hút thuốc nhiều mà phổi vẫn bình thường, bởi vì nghiệp lực đã khiến họ phát bệnh hay phát họa ở một nơi khác.

Cũng tương tự như vậy, nơi nào nhiều tai họa, nơi ấy đã tích nhiều nghiệp hay nói cách khác, cộng nghiệp của nơi ấy lớn.

Người xưa đã nói: “Họa và phúc đều không có cửa sẵn mà là do lòng người tự tạo ra. Người không phân tranh, yêu không tự tác"“Người bất thiện, Thiên giáng tai ương". Bậc thầy nhà Nho triều Hán là Đổng Trọng Thư thông qua nghiên cứu mối quan hệ giữa các lần thiên tai trong lịch sử đối ứng cùng các sự vụ nơi thế gian mà rút ra kết luận rằng: “Quốc gia vì mất đi đạo đức mới tiến đến diệt vong, ông Trời giáng thiên tai dị tượng là để cảnh tỉnh cho con người; còn như nếu không biết hối cải, kiếp nạn bại vong thực sự rất nhanh sẽ đến".

Chu Dịch viết: "Trời hiển thị Thiên tượng để thấy hung cát". Thiên tai là một loại cảnh cáo mà Trời giáng xuống nhân gian, nhắc nhở người dân, được đại diện bởi tầng lớp thống trị, đã có những sự việc trái ý Trời, làm những việc tổn hại lẽ Trời, để nhắc nhở họ sửa chữa quy chính, hoặc sẽ có thay triều đổi đại, hoặc quân vương sẽ chết. Cũng có nghĩa là lúc này vận nước xuất hiện vấn đề, Thượng Thiên cảnh cáo và trừng phạt, người khu vực đó ở trong phạm vi trừng phạt của Thượng Thiên. Vận nước lớn hơn vận người, vận mệnh quốc gia không tốt thì dù vận mệnh cá nhân có tốt cũng không đủ sức vãn hồi.

Nước nhà gặp tai họa, quân vương phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm

Xưa kia tại sao khi nước nhà gặp họa thì quân vương phải tự thống trách? Là vì đạo đức chung đã suy kém, con người gây ra nhiều nghiệp quả, quân vương dù có trực tiếp gây nên tội hay không thì vì là người thay Trời mà chăn dắt dân, để dân gây nên tội thì vua cũng phải chịu trách nhiệm. Vua Võ Vương nhà Chu khi phong đất phong tước cho Tề Thái Công nói: “Tuy có người thân thích rất gần, cũng không bằng có người nhân đức. Trăm họ có lỗi, đều tại một mình ta (không biết giáo hóa).”

Quý Khang Tử hỏi Khổng Tử về phép trị dân: “Giết kẻ vô đạo (độc ác) để cho kẻ khác thành hữu đạo (lương thiện) chăng?” Khổng tử đáp: “Ông trị dân cần gì phải dùng biện pháp giết người? Ông muốn thiện thì dân sẽ hóa thiện. Đức hạnh của người quân tử như gió, mà đức hạnh của tiểu nhân như cỏ. Gió thổi thì cỏ tất rạp xuống.”

Ý tứ là: người quân tử cai trị nên dùng đức để giáo hóa, lấy mình ra làm gương thì đâu sẽ vào đấy. Người quân tử ở thời Đức Khổng Tử là chỉ những người cai trị. Người cai trị là người nhận mệnh Trời để cai quản giáo hóa dân chúng, thì phải là người đầu tiên nhận trách nhiệm khi dân chúng gặp họa.

Tháng 8 năm Tân Hợi (1491), trời mưa nhiều ngày gây ngập úng nặng, vua Lê Thánh Tông sai quan các địa phương chỉ huy việc khơi thông nước để cứu lúa mạ. Vua còn họp bàn với triều thần và nói với họ rằng: “…Vì chính trị thiếu sót nên Trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra thế, chứ nhân dân có tội gì đâu. Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến Trời mà đến thế chăng?”.

Ngày 27 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1438) vì có nhiều thiên tai, vua Lê Thái Tông đã xuống chiếu tự trách tội. Bài chiếu có đoạn:

“Mấy năm nay hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quản tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu đần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng Trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy”. (Đại Việt sử ký toàn thư).

Khi nhà Thương bị hạn hán nặng mấy năm liền, ngũ cốc mất mùa, viên quan đại thần phụ trách việc cúng tế nói cần dùng người làm vật tế, xin Trời mưa xuống. Vua Thang liền “tỉa tóc, cắt móng tay”, lấy bản thân mình làm vật tế, vào rừng dâu, “tự trách 6 tội lỗi của mình”, nói rằng: “Một mình ta có tội không liên quan đến vạn dân, vạn dân có tội đều là lỗi ở ta. Chỉ do một người bất kính, cúi xin Thượng Đế quỷ thần thương xót dân chúng”. Ngay sau đó, dân chúng hết sức vui mừng vì mưa to như trút nước.

Rõ ràng, những người cai trị thời xưa đã luôn luôn thành thật nhận trách nhiệm về mình, chẳng như những chính quyền bạo ngược dối trá như chính quyền ĐCSTQ ngày nay giũ bỏ trách nhiệm, ngụy tạo thành tích, vơ vào công lao để lừa dối dân chúng và ngoại quốc.

Thời xưa khi nước nhà gặp họa thì quân vương phải tự trách tội mình. (Ảnh: NTDVN tổng hợp)

Nỗi đau là của chung, ai cũng tự nên sửa mình, đó mới là cái gốc để tiêu tai giảm họa

Như vậy chúng ta đã tìm ra gốc rễ của thiên tai là do đạo đức con người. Trên bề mặt, để giảm thiểu lũ lụt, chúng ta phải chấm dứt việc phá rừng, phá núi, phá hoại môi trường... Nhưng nếu chỉ có thế thì chưa đủ, bởi vì nếu con người không nâng cao đạo đức của mình thì tai họa vẫn có muôn vàn con đường phát tác của nó.

Mà để nâng cao đạo đức, không gì bằng quay về những bài học mà ông bà ta đã dạy, những bài học về thành thực, trung tín, về thiện tâm và lòng trắc ẩn, về sự kiên nhẫn bao dung… Những bài học ấy có quá nhiều trong văn hóa truyền thống tốt đẹp gần gũi vẫn đợi chờ chúng ta như bóng hình đau đáu của anh linh tiên tổ, của hồn thiêng sông núi vẫn đợi chờ con cháu quay trở về với truyền thống, với nguồn cội.

Khi tai họa xảy ra, có những vùng bị nặng có những nơi bị nhẹ; Có những cá nhân gặp tổn thất lớn lao và có những cá nhân có vẻ như không chịu thiệt hại gì. Nhưng nếu nhìn nhận thấu đáo, chúng ta phải thấy rằng nỗi đau này là của chung. Khi miền Trung gặp nạn, cả nước không ngủ; miền Trung thiệt hại, cả nước cùng chia sẻ mất mát và ra sức cưu mang. Như trong lời ru xưa của mẹ Việt Nam:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Hay là:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng”

Chúng ta không thể tiếp tục “sống chung với cơn lũ đạo đức bại hoại”, không thể để những cơn lũ đạo đức bại hoại ấy cuốn phẩm giá của chúng ta đi, để rồi như một quả báo, những cơn lũ của thiên nhiên cuốn đi môi trường sống của anh, của tôi, và của tất cả chúng ta như lời nhà thơ nổi tếng người Anh là John Donne đã viết:

“Con người không phải là một hòn đảo, không chỉ là tự mình; mỗi người là một phần của lục địa, một phần của tổng thể; nếu sóng biển cuốn đi dù chỉ một hòn đất thì châu Âu sẽ trở nên bé hơn, cũng như nếu sóng biển cuốn đi cả vùng đất mũi hay ngôi nhà của bạn anh, hay ngôi nhà của riêng anh. Cái chết của mỗi con người làm cái tôi nhỏ lại vì tôi là một phần của toàn nhân loại, và bởi thế anh đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy”.

VIDEO - THIÊN TAI, NHÂN HỌA, DỊCH BỆNH CÓ PHẢI LÀ NGẪU NHIÊN?

Nguyên Vũ - Theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP