Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người

Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người

Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người

Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người

Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người
Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người
Thứ bảy, 20-04-2024 02:30, (GMT+07:00)
Dạy trẻ biết quan tâm tới mọi người
15-10-2020 18:57

Sự quan tâm giữa người với người xuất phát từ tình yêu thương, lòng nhân ái và trắc ẩn, cũng có khi sự quan tâm xuất phát từ tính tò mò hoặc lợi ích. Trong bài này, tôi muốn nói đến sự quan tâm ở vế đầu: tình yêu thương, lòng nhân ái và trắc ẩn. Ta có thể nghĩ nếu yêu thương thì tự nhiên sẽ biết quan tâm, cần gì phải học? Không phải như vậy.

Quan tâm đúng cách rất khác với quan tâm không đúng cách. Quan tâm đúng cách sẽ tăng thêm tình yêu thương, quan tâm không đúng cách thường đem lại mâu thuẫn và bực bội, dễ bị hiểu sai là vì tò mò chứ không phải vì yêu thương. Muốn quan tâm đúng cách thì ta phải học.

Cha mẹ luôn yêu thương con cái và quan tâm, chăm sóc, dạy bảo, mong muốn con cái nên người. Nhưng, nhiều bậc cha mẹ thường quan tâm con cái và quan tâm lẫn nhau sai cách, từ đó dẫn đến việc con cái, các thành viên trong gia đình bị tổn thương và không thể yêu thương nhau thực sự, không thể kết dính chặt chẽ như một gia đình, không hoặc khó để tâm sự với nhau, khó nói lời yêu thương hoặc thể hiện tình yêu thương, nặng tính trách nhiệm hơn là yêu thương, mái nhà không thực sự là tổ ấm để các thành viên tìm về.

Ba tôi bị bệnh cao huyết áp và tim mạch, ông hay bị mệt khi nghe tiếng động lớn đột ngột hoặc ồn ào, trong khi chúng tôi đang tuổi con nít, nô đùa ồn ã suốt ngày. Mẹ gọi mấy anh em lại nói về bệnh của ba và yêu cầu chúng tôi khi nô đùa thì ra sân, tránh cho ba việc ồn ào, ở trong nhà làm việc cần nhẹ nhàng tay chân. Khi hiểu rõ điều đó, chúng tôi giữ được sự yên tĩnh cho ba mà không cần mẹ phải quát mắng.

Ta thấy, khi trẻ hiểu rõ lý do thì trẻ sẽ biết cần làm gì. Cha mẹ cần nói chuyện với con và giải thích cụ thể. Sự quan tâm xuất phát từ tình yêu và sự hiểu biết sẽ rất bền vững và theo trẻ suốt đời.

Cần dạy trẻ quan tâm từ những điều nhỏ nhất:

– Khi ra ngoài về thì xếp gọn giày dép vào nơi quy định để khi trẻ cần thì sẽ lấy dễ dàng, người khác không bị vấp chân té ngã vì giày dép vứt bừa khắp nơi.

– Nếu trong nhà vệ sinh có dùng dép riêng thì dạy trẻ khi đi ra nhớ xếp ngay ngắn, quay đôi dép ra ngoài, để lần sau trẻ đi vào hoặc người khác đi vào thì chỉ việc xỏ chân vào dép, không mất công người khác phải loay hoay tìm và quay dép. Điều này vừa dạy trẻ sự ngăn nắp, tính khoa học, vừa ý thức quan tâm đến người sau mình.

– Trong ăn uống, dạy trẻ biết cách nhìn thức ăn trên bàn để chia sẻ cho người khác. Nhà có năm người, mẹ chiên năm cái đùi gà, trẻ muốn ăn hai cái, dĩ nhiên bố hoặc mẹ sẽ nhường cho trẻ, nhưng ta cần giải thích cho trẻ hiểu đó là phần của bố mẹ, vì yêu trẻ nên nhường cho trẻ. Trẻ cũng nên nhường cho em khi em thích phần của trẻ hoặc thỉnh thoảng nhường, chừa món ngon cho bố mẹ. Điều này dạy trẻ hiểu tính cần thiết của sự quan tâm chia sẻ. Học được bài học này, trẻ sẽ biết quan tâm người khác mọi lúc chứ không đợi lúc dư thừa mới quan tâm chia sẻ cho người.

– Dạy trẻ khi ăn xong tự dọn bàn chỗ mình ăn, xếp gọn bát đĩa và đem ra chậu rửa, đứng dậy thì xếp gọn ghế vào gầm bàn hoặc dọn vào chỗ quy định. Đó cũng là dạy trẻ sự ngăn nắp và không dồn việc cho người khác phải dọn, đồng thời đó là sự quan tâm đến người rửa dọn. Học được bài học này, khi đi ăn ở đâu kể cả ở nhà hàng có người phục vụ thì trẻ cũng sạch sẽ bởi tôn trọng công sức của người dọn dẹp. Việc này dạy trẻ quan tâm đến cả người ngoài, không chỉ người thân.

– Khi trẻ đi học, trẻ bỏ bê không làm bài hoặc đi trễ, trốn học, cần giải thích cho trẻ biết điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu riêng bản thân trẻ mà ảnh hưởng đến thầy cô và các bạn cả lớp. Trẻ cần quan tâm đến thầy cô và các bạn, không để bản thân làm cả lớp bị ảnh hưởng, không nên chỉ biết có mỗi mình mình. Điều này vừa dạy trẻ sự quan tâm vừa học tính trách nhiệm và tổ chức.

Còn một điều nữa, có những thứ không phải là sự quan tâm. Ví dụ, khi trẻ té ngã bị trầy xước, cha mẹ tuyệt đối không được trách mắng ngay lập tức kiểu: “Đấy, tao đã bảo đừng có chạy mà vẫn không nghe, để té chảy máu như vậy đó.” Tuyệt đối đừng bao giờ nói những câu như thế. Đứa trẻ sẽ không cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm trong câu nói đó mà chỉ cảm nhận được sự tức giận, trách móc và quyền uy. Nếu cứ dạy bảo như vậy thì trẻ rồi sẽ lặp lại. Và khi lớn lên, trẻ sẽ sẵn lòng trách móc người khác y như vậy và nghĩ đó là quan tâm. Còn đứa trẻ nào nhận thức được đó là quan tâm sai cách thì nó sẽ tủi thân, nó sẽ xa dần và không coi cha mẹ là nơi tìm về khi va vấp trong đời.

Hãy thể hiện sự quan tâm đúng cách, hỏi: “Con đau nhiều lắm không?” và lau rửa, băng bó cho trẻ. Nếu muốn dạy, hãy đợi lúc khác rồi thủ thỉ, “Mẹ sợ con té đau nên mẹ dặn con đi đứng cẩn thận, con không nghe nên té chảy máu, mẹ xót ruột.” Câu này mới là câu quan tâm và con sẽ nhớ điều này rất lâu, sẽ cẩn thận hơn trong đi đứng, khi lớn con sẽ biết cách quan tâm và thể hiện tình yêu thương.

Bố mẹ muốn dạy con cách quan tâm đúng cách thì bố mẹ cũng phải quan tâm nhau đúng cách và quan tâm người khác đúng cách. Có vậy trẻ mới nhìn thấy và học theo. Bố mẹ Việt thường trách con cái không quan tâm mình, nhưng lại không bao giờ nhìn nhận rằng mình đã dạy con sai cách từ những điều nhỏ nhất. Ví dụ khi đi ăn hàng quán, bố mẹ bày bừa ra bàn, vứt rác xuống nền nhà và nói rằng kệ để nhân viên phục vụ dọn. Nhưng rồi bố mẹ lại yêu cầu con dọn bàn ăn khi ở nhà.

Dạy con sự quan tâm không khó, chỉ cần chúng ta nhận diện rõ và đúng thế nào là quan tâm đúng cách, thế nào là sai cách, rồi tự sửa mình thì sẽ dạy được con.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

Đăng theo Tri Thức VN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP