Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)

Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)

Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)

Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)

Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)
Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)
Thứ năm, 02-05-2024 07:18, (GMT+07:00)
Đặt cược mạng sống để tiếp cận phóng viên nước ngoài ở Trung Quốc (Phần cuối)
05-09-2021 14:18

 Xem lại Phần 1

Từ xưa đến nay, nếu chính quyền Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gán cho một người hoặc một nhóm người vào tội “kẻ thù của nhà nước” thì coi như đó là dấu chấm hết dành cho họ.

Ông Yu không ngây thơ, ông không phải là kẻ có niềm tin mù quáng. Ông tốt nghiệp trường đại học Thanh Hoa, ngôi trường danh giá bậc nhất ở Trung Quốc. Và ông có một sự nghiệp đầy hứa hẹn với tư cách là chuyên gia công nghệ thông tin cho một công ty quốc tế.

Ông Yu Chao là người có lập trường và tư duy logic. Thời còn là sinh viên, ông còn đặt ra các câu hỏi về những tuyên bố của các giáo sư trong trường của mình. Đây là điều khá hiếm hoi trong nền giáo dục của Trung Quốc vào thời đó. 

Nhưng có một câu hỏi mà ông không thể tìm ra câu trả lời: “Từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã tự hỏi rằng, mục đích của cuộc sống là gì ? Tất cả những thành quả mà chúng ta đạt được ở trường học hay nơi làm việc chỉ mang lại hạnh phúc tạm thời”, ông Yu nói. Những năm tháng tuổi trẻ của ông Yu là sự trống rỗng trong tâm hồn. 

Ông Yu nhớ rất rõ lần đầu tiên ông có cảm giác mơ hồ là khi ông 3 tuổi và đang ở trong lớp mẫu giáo. Đó là giờ nghỉ trưa và cô giáo bảo cả lớp hãy ngủ đi và trở thành “những đứa con ngoan của Mao Chủ tịch”. Nhưng cậu bé Yu khi ấy không thể ngủ được. Thay vào đó, cậu bé nhìn những tia nắng chiếu qua cửa sổ lớp học và tự hỏi, tại sao phải trở thành “đứa con ngoan của Chủ tịch Mao”? Cảm giác chán nản lúc ấy vẫn đeo bám ông mãi đến năm ông 21 tuổi.

Khi đó, ông Yu mắc chứng đau dạ dày. Ông thường phải uống thuốc có giá 200 tệ một lọ. Mẹ ông đã thuyết phục ông tập Pháp Luân Công, một môn khí công thiền có lợi cho tinh thần và thể chất. Do dự lúc đầu, nhưng vì mẹ thuyết phục nên ông đã thử. 

Năm 1993, ông Yu lần đầu tiên tham dự vào khoá giảng của ngài Lý Hồng Chí - Người sáng lập Pháp Luân Công. 

“Tôi tìm thấy sự bình yên trong nghệ thuật và văn học, nhưng ngay cả điều đó cũng chỉ là tạm bợ. Điều duy nhất thực sự cho phép tôi nhận ra ý nghĩa của cuộc sống là các bài giảng của Pháp Luân Công”, ông nói.

Ông Yu kể lại rằng, điều ông nhớ rõ nhất trong lớp học là một người cần phải nhìn lại mình khi gặp mâu thuẫn thay vì đổ lỗi cho bên ngoài, và một người cần phải đặt người khác lên trước bản thân mình.

“Năm tôi nghe được những lời giảng này, tôi 21 tuổi. Tôi cảm tưởng như 21 năm trước đó mình đã sống với một chiếc khăn bịt mắt màu đen”.

Sau khi học Pháp Luân Công, ông Yu bắt đầu nhìn cuộc sống và các vấn đề của bản thân theo cách khác. Ông cố gắng loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực của mình như: đố kị, ganh ghét, nóng giận… Cuộc sống và thế giới quan của ông bỗng nhiên thay đổi hoàn toàn và trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Tập trung nhìn vào nội tâm mình thay vì nhìn ra bên ngoài là một khái niệm mới mẻ và chấn động đối với ông Yu. Điều này đã khắc sâu trong tâm khảm ông suốt 2 thập kỷ sau đó, giúp ông vượt qua những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời.

Khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, ông Yu cảm thấy cần phải lên tiếng. Ông đã tham dự các cuộc biểu tình ôn hoà công khai, đến quảng trường Thiên An Môn và giương cao biểu ngữ.

“Tuy tôi không thực hành các bài công pháp của Pháp Luân Công một cách đều đặn, nhưng tôi cảm thấy mình cần phải đứng lên vì những điều đúng đắn”, ông nói. “Rất khó để bắt gặp một thứ gì đó mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, đặc biệt là trong một xã hội như Trung Quốc”.

“Nhưng khi tôi tham gia các cuộc thỉnh nguyện, tôi nhận thức được những nguy hiểm”, ông nói thêm. “Tôi đã từng trải qua ngày 4 tháng 6 năm 1989”.

Ngày 4/6/1989 là ngày diễn ra cuộc thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, khi chính quyền ĐCSTQ đáp trả lại cuộc biểu tình ôn hoà của sinh viên bằng súng trường và xe tăng.

Một số người đã mất mạng trong cuộc biểu tình ngày hôm đó, họ là bạn của ông. Một trong số đó là Jiang Jielian, ông Yu đã học cùng trường với ông ấy từ mẫu giáo đến trung học. Mẹ của Jiang là Ding Zilin, người sau này đã thành lập nhóm hoạt động nổi tiếng mang tên “Những bà mẹ Thiên An Môn”.

Lần bắt giữ đầu tiên

Ông Yu Chao bị bắt giữ lần đầu tiên vào ngày 15/10/1999, khi ông đến nộp đơn phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công tại cơ quan công an.

Ông nói: “Theo luật pháp Trung Quốc, đơn kiện của tôi là hợp pháp. Nhưng tôi vẫn bị bắt".

Hai tuần sau, vợ ông cũng bị bắt vì thỉnh nguyện ôn hoà tại cơ quan công an. Con trai của hai vợ chồng ông được ông bà ngoại chăm sóc.

Ông Yu đã bị giam giữ 38 ngày tại Trung tâm giam giữ Haidian ở Bắc Kinh. Sau đó, ông bị kết án và phải vào trại lao động cải tạo. Sau khi được thả, toàn thân ông nổi đầy ghẻ lở do điều kiện nhà tù khắc nghiệt và mất vệ sinh.

Lần lượt từng người trong gia đình ông Yu bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công. Em gái của ông là giảng viên kinh tế và quản lý tại Đại học Thanh Hoa bị kết án ba năm rưỡi. Ông Yu biết rằng, mình và vợ đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ, vì vậy họ quyết định bỏ trốn để tránh bị bắt giữ lần nữa. Ông Yu và vợ rời nhà cùng cậu con trai 3 tuổi vào giữa đêm ngày 10/08/2001. Họ bỏ đi mà không kịp mang theo tiền bạc hay đồ đạc gì.

“Chúng tôi thực sự đã trở thành người vô gia cư”, ông Yu kể. 

Sau đó hai vợ chồng đã buộc phải gửi cậu con trai tại nhà của một người bạn trong vòng 10 tháng. Ba mẹ ông Yu đã tới đón cháu khi ông bà có đủ điều kiện, nhưng lúc đó cậu bé đã bắt đầu nghĩ rằng, người bạn của gia đình chính là mẹ của cậu.

Vượt qua sợ hãi

“Từ năm 1999 đến tháng 6/2000, tôi dường như tê liệt vì sợ hãi”, ông Yu nói.

Với kiến ​​thức nền tảng về công nghệ thông tin, ông Yu có thể làm được nhiều điều hơn là phản đối bằng biểu ngữ tại Thiên An Môn. Ông có thể thiết lập các kênh liên lạc được mã hóa và thông báo cho giới truyền thông nước ngoài về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc. Nhưng ông sợ!

“Tôi sợ, vì tôi biết chính phủ có khả năng làm những gì. Tôi biết sự tàn bạo mà họ có thể làm. Tôi biết, bởi tôi đã trải qua điều đó”, ông nói.

Thế rồi có một câu chuyện khiến ông Yu phải tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: 

“Mình còn sợ cái gì nữa?”

Ông Yu đã chứng kiến trường hợp của Zhao Xin, một Giảng sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh. Cô chỉ mới 32 tuổi khi bị tra tấn đến chết.

Theo Minghui, một trang web ghi lại các tường thuật về cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra, đốt sống cổ của cô Zhao đã bị gãy vì bị đánh đập dã man. Sau đó, cô được đưa đến bệnh viện, nơi họ phẫu thuật cho cô bằng cách cắt bỏ một phần thực quản của cô. Sau cuộc phẫu thuật ấy, cô trở thành người bị câm, cô đã mất khả năng nói.

 
 

 

Ông Yu đã đến thăm cô Zhao và nhớ lại cách cô ấy tiếp tục cố gắng nói chuyện, nhưng tất cả những gì cô có thể xoay sở là những tiếng thở hổn hển dữ dội.

“Thật kỳ lạ”, ông Yu nhớ lại. “Bệnh viện nói rằng, đốt sống cổ bị thương của cô ấy sẽ ảnh hưởng đến khả năng thở của cô ấy… nhưng cắt thực quản thì không hợp lý chút nào”.

“Họ cắt thực quản của cô ấy là để cô không thể nói được, rất có thể là vậy. Thay vào đó, họ đã nhét một cái ống nhựa vào cổ họng của cô”.

Thế nhưng, niềm tin của cô Zhao vẫn vẹn nguyên. Sau khi xuất viện, cô Zhao tiếp tục yêu cầu được đưa đến Quảng trường Thiên An Môn trên xe lăn để tiếp tục phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công. Nhưng tình trạng thể chất yếu ớt của cô không cho phép cô làm được điều đó. Sáu tháng sau, Zhao Xin qua đời.

Sau khi chứng kiến ​​những gì cô Zhao trải qua, ông Yu cảm thấy mình phải bước tiếp.

“Tôi cảm thấy cấp bách phải nói với mọi người về hoàn cảnh của Zhao Xin. Để cho thế giới bên ngoài Trung Quốc biết. Tôi cảm thấy cấp bách phải lên tiếng cho những người đang bị bức hại”, ông nói.

Cái giá của việc ‘Vượt tường lửa’: Tra tấn tàn bạo

Epoch Times Photo

Một bức tranh mô tả phương pháp tra tấn "ghế hổ". (Ảnh: Minghui.org)

Ông Yu sau đó đã dẫn dắt một nhóm “tự do báo chí” để cung cấp thông tin cho truyền thông phương Tây. 

Tất cả những người tham gia nhóm của ông, từng người một, lần lượt bị bắt giữ. Ông Yu đã bị kết án 10 năm tù vì tổ chức các cuộc gặp gỡ cho nạn nhân của cuộc bức hại Pháp Luân Công với các phóng viên báo chí nước ngoài, và thiết lập một kênh mã hóa dữ liệu để có thể liên lạc an toàn qua Internet. Nói cách khác, ông bị bắt vì dám “vượt tường lửa” để đưa thông tin mà ĐCSTQ muốn giấu ra truyền thông quốc tế.

Ông Yu bị đưa vào trung tâm đào tạo luật pháp, nơi ông bị đánh đập dã man trong suốt 11 tháng. Đó là một trung tâm được thành lập đặc biệt để tẩy não người tập Pháp Luân Công.

“Họ đá vào xương sườn của tôi một cách thô bạo… Họ tức giận đến mức mất lý trí”, ông Yu nói. “Nhưng tôi không hề sợ hãi ngay lúc đó. Tôi cảm thấy hạnh phúc. Tôi biết rằng những gì tôi làm đã cản trở cuộc đàn áp”. 

Nhiều cai ngục thay nhau tát vào mặt ông. Tai ông ù đi vì những cái tát liên tục, nhưng ông vẫn mỉm cười, nhìn vào mắt lính canh và hỏi họ tên gì. Không một ai trong số họ dám trả lời.

“Tôi mỉm cười và tiếp tục hỏi họ, các anh dám đánh tôi nhưng lại không dám nói ra tên mình ư? Mẹ các anh có biết đây là cách mà các anh kiếm tiền không? Các anh có bạn gái chưa? Cô ấy có biết đây là công việc mà các anh đang làm không?”, ông Yu đã hỏi họ như vậy.

Một lần nữa, không có ai trả lời. Nhưng những cai tù cảm thấy e ngại ánh mắt của ông, vì vậy họ bắt đầu chọc ngón tay của mình vào mắt ông. Bất chấp đôi mắt đau nhức, khi họ bỏ tay ra, ông Yu vẫn tiếp tục nhìn vào mắt họ. Một số lính canh bắt đầu đánh nhẹ hơn.

“Ngay lúc đó tôi cảm thấy họ thật thảm hại. Tất cả những gì họ làm là tuân theo mệnh lệnh. Họ không có ý chí tự do để tự mình đưa ra quyết định”, ông Yu nói. “Họ là những kẻ hèn nhát. Họ không thể tự suy luận được ”.

Các lính canh tiếp tục viết những từ hạ nhục vào mảnh giấy, nhổ nước bọt và dán vào mặt ông Yu.

“Tôi mỉm cười và tôi nói với họ, đừng chỉ khạc nhổ, tại sao không dùng ngón tay cái ghim những tờ giấy này lên người tôi để các anh có thể hồi tưởng lại Cách Mạng Văn Hóa”.

Từ ngày 13/8/2002 đến tháng 7/2003, ông Yu bị giam tại trung tâm tẩy não.

“Đã có nhiều lúc tôi không thể biết được điều gì đang xảy ra trong hiện thực”, ông nói. "Trong hai tháng, họ chỉ cho phép tôi ngủ một giờ mỗi ngày". 

Ông Yu bị còng tay vào giường, nằm trên một tấm ván gỗ. Mặc dù khuỷu tay trái của ông đã bị trật khớp do bị tra tấn trước đó, các lính canh vẫn giật cánh tay trái của ông về hướng ngược lại để còng cả hai tay của ông vào giường.

“Tôi rất đau đớn, tôi đổ mồ hôi lạnh khắp người”, ông Yu nói.

Chân ông bị trói bằng một sợi dây. Ông phải giữ nguyên vị trí này trong bốn ngày. Do đó, ông buộc phải đại tiện và đi tiểu trên giường của mình.

Thỉnh thoảng họ để ông ra khỏi giường. Ông không được phép tắm rửa và chỉ được uống hai cốc nước mỗi ngày. Ông sẽ nhổ lại nước uống lên tay để rửa mặt.

Mỗi sáng thức dậy, mắt ông Yu đều nhoè nước.

“Đây không phải là những giọt nước mắt xúc động. Đó là phản ứng vật lý của cơ thể do quá lâu tôi không thể rửa mặt, tôi đã chảy dịch cứng quanh mắt".

Ông không được phép tắm trong suốt 5 tháng liên tục, da của ông trông như vảy cá.

Từ ngày 21/7/2003 đến ngày 21/7/2004, ông bị giam trong nhiều phòng giam khác nhau. Có lúc đông tới nỗi, ông và 50 người khác phải ngủ trong một căn phòng rộng 40 mét vuông.

Từ ngày 21/7/2004 đến ngày 20/2/2012, ông Yu bị giam giữ tại nhà tù Thiên Tân, do Cục Quản lý Nhà tù ở Bắc Kinh quản lý. Họ được đánh thức lúc 4h30 sáng để chạy ra ngoài trời trong bóng tối giữa mùa đông khắc nghiệt. Sau đó, họ buộc phải đọc các tài liệu tẩy não.

Một lần nữa, họ không được phép tắm. Mặc dù ở trong điều kiện mất vệ sinh, họ vẫn phải lao động khổ sai trong tù, xử lý thực phẩm để bán ra ngoài. Một số bạn tù của ông Yu phải đặt bánh trên khay giấy trước khi chúng được bọc lại bằng nilon, ông Yu thì gói các mẩu kẹo lại và đóng gói chúng.

“Các mặt hàng thực phẩm sản xuất tại Trung Quốc thực sự không đảm bảo vệ sinh. Bạn thực sự không biết ai đã tạo ra chúng và chúng đang ở trong tình trạng như thế nào”, ông Yu nói.

Ông và các tù nhân khác buộc phải quấn kẹo sao cho giống như được làm bằng máy. Điều này là một áp lực không nhỏ, nó đã khiến móng tay của một số người bị bong ra.

Ông Yu cũng phải chịu đựng sự tra tấn dã man bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như bị bắt phải nghe âm thanh từ loa được bật to đến mức khiến ông có cảm giác buồn nôn và tức ngực. Ông phải nghe như vậy từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày trong suốt một tuần.

Vào những lần khác, ông bị buộc phải làm sạch các bồn rửa tự hoại.

“Mục đích của việc lao động này là hủy hoại lòng tự trọng và phẩm giá của tôi”, ông nói.

Tị nạn ở Hoa Kỳ

Sau khi ra tù vào năm 2012, ông Yu đã xin cấp hộ chiếu. 

“Trong điều kiện bình thường, tôi sẽ không thể xin cấp hộ chiếu, nhưng lần này họ đã cho qua. Họ không muốn những người có học thức, những người được học ở đại học Thanh Hoa, có tiếng nói và từng trải qua tù giam làm ảnh hưởng đến những người khác bên trong Trung Quốc”, ông nói.

Ngày 13/5, ông Yu, lúc này 41 tuổi, cùng vợ và con trai 15 tuổi của họ đã đến New York, Mỹ định cư.

Họ lướt qua đám đông du khách và doanh nhân. Ban đầu, ông Yu không cảm thấy gì. Ông đã tê liệt cảm xúc. Mãi đến 5 ngày sau, ông mới thực sự cảm thấy “tự do”.

Ông và gia đình đã cùng nhau cầm một tấm biểu ngữ khi họ tham gia cuộc diễu hành Ngày Pháp Luân Đại Pháp ở Flushing, New York. 

“Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình có thể tự do thở”, ông nói.

Sau khi rời bỏ môi trường bạo lực ở Trung Quốc, ông Yu đã phải đối mặt với một thử thách mới, lần này là từ chính bản thân ông. 

Đến tận bây giờ, ông Yu không thể nằm ngửa khi ngủ vì những vết thương ở xương sườn khi bị giam giữ và tra tấn trong tù.

Vượt qua thù hận

Epoch Times Photo

Một bức tranh mô tả phương pháp tra tấn "treo gạch quanh cổ". (FalunArt.org)

“Nhưng phần thử thách nhất không phải là vượt qua cuộc bức hại. Thách thức là những gì xảy ra sau đó”, ông nói. “Tôi phải luôn tự nhắc nhở mình rằng, tôi không được biến thành một trong số họ [cai ngục], rằng tôi không có thù hận và bạo lực trong lòng”

Ông Yu tĩnh lặng và nhìn vào nội tâm mình.

“Tôi cố gắng ngăn chặn thù hận từ trong tâm trí mình”, ông nói. “Tôi phải nhớ rằng, những kẻ thực sự xấu xa là những người ra lệnh đàn áp, chứ không nhất thiết là những người thực hiện chúng - họ được huấn luyện để tuân theo mệnh lệnh một cách vô cảm”.

“Tôi muốn thay đổi trái tim mình và xóa bỏ lòng thù hận. Cách duy nhất để làm được điều đó là loại bỏ chúng đi, cho chúng thấy rằng chúng không nên tồn tại. Đó là cách mà một người chân chính nên làm, cách mà một người chân chính sống”, ông Yu Chao nói.

Đối với các học viên ở Trung Quốc, những người đã bị bắt sau những cuộc phỏng vấn với các phóng viên nước ngoài, có một số họ vẫn còn ở trong tù cho đến hôm nay. Có một số người “biến mất”, không rõ tung tích.

Khi ông Yu ngồi trong công viên Bryant để được chụp ảnh, ông đã mỉm cười với một vẻ dịu dàng và tĩnh lặng kỳ lạ. Ánh mắt của ông Yu không có sự u sầu và oán hận.

Dường như, hơn 10 năm bị tra tấn tàn bạo trong tù cũng không thể lấy đi sự bình yên trong nội tâm của ông Yu. Vì ông nói rằng, ông đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình và nó xứng đáng với tất cả những gì ông đã chịu đựng.

Khi đi ngang qua bức tượng Gertude Stein, ông Yu đã hỏi: “Bà ấy là ai?”

Giờ đây, ông đã là một phần của nền văn hóa mới, lịch sử mới, trên một đất nước mới. Nhưng ông Yu Chao nói rằng, ông sẽ tiếp tục làm tất cả những gì có thể để giúp giải cứu các học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị bức hại ở Trung Quốc. 

Đối với ông, việc này sẽ bắt đầu bằng một trái tim không thù hận.

Giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá

Nhà báo Ian Johnson của Wall Street Journal - Người đã nhận được tệp tài liệu mã hoá chia nhỏ thành 30 phần từ ông Yu Chao, sau đó đã nhận một giải thưởng Pulitzer cho chuỗi bài phóng sự về cuộc diệt chủng Pháp Luân Công diễn ra tại Trung Quốc. Pulitzer được biết đến là giải thưởng báo chí danh giá nhất mà bất cứ nhà báo nào cũng muốn có được trong cuộc đời và sự nghiệp của mình. 

Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau sự thật và giải thưởng ấy là sự đánh đổi bằng máu và nước mắt của rất nhiều người, giống như ông Yu Chao, ông Wang Weiyu và hàng triệu người khác nữa...

Nhân chứng sống sót: Đảng Cộng sản Trung Quốc là

Ông Wang Weiyu - Một cộng sự tham gia nhóm "tự do báo chí" do ông Yu Chao đứng đầu, tại Hội nghị Tự do Tín ngưỡng Quốc tế ở Washington vào ngày 13/7/2021. (Ảnh: Sherry Dong, The Epoch Times)

Đông Mai

Theo The Epochtimes & pulitzer.org

Theo NTDVN

 

Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP