Có cư dân mạng đã đăng tải video hiện trường nói rằng, “thành phố Nghi Xương hầu như không có góc nào thoát, đâu đâu cũng bị ngập”.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 27/6, thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bắt đầu mưa xối xả. Lúc 12 giờ 40 phút, thành phố đưa ra mức báo động đỏ. Nhiều video đăng trên Twitter cho thấy toàn bộ thành phố Nghi Xương đã bị ngập lụt. Độ sâu của nước ở trung tâm thành phố đã vượt qua thắt lưng, nhiều xe cộ bị ngâm trong nước, có người ngồi trong xe không ngừng kêu cứu.

Có cư dân mạng đã đăng tải dòng trạng thái lên Twitter với nội dung: “Đập Tam Hiệp và đập Cát Châu đều ở thượng nguồn của thành phố Nghi Xương! Thành phố Nghi Xương bị ngập nặng như vậy, cho thấy hai con đập này liên tục mở áp xả lũ”.

Trước đó trên Internet đã từng có người cảnh báo rằng rất có thể sẽ có lũ lụt siêu lớn trong năm nay, đập Tam Hiệp đang đứng trước nguy cơ vỡ đập, và nhắc nhở cư dân của thành phố Nghi Xương, thành phố đầu tiên ở hạ du con đập (vùng bị ngập lụt khi hồ xả nước theo quy trình), hãy cố đào thoát cho mau, càng sớm càng tốt. Nhưng bây giờ có vẻ như người dân thành phố Nghi Xương dù muốn chạy cũng không chạy được nữa. 

Có cư dân mạng đã đăng: “Bạn tôi đang ở Nghi Xương, hôm nay đã gửi video hiện trường cho tôi xem, nói rằng họ không thể đi xuống dưới lầu, vậy nên dù có muốn chạy cũng không có nơi để chạy…”.

Phóng viên độc lập Cao Du cũng đăng một video lên Twitter với nội dung: “Thành phố Nghi Xương không có góc nào thoát, đâu đâu cũng đều bị ngập hết cả. Đập Tam Hiệp không phải là vấn đề kinh tế, mà là vấn đề hệ thống chính trị”.

Xem video tại đây

Ngoại giới nghi ngờ rằng thành phố Nghi Xương bất ngờ bị lũ tấn công, ấy là do đập Tam Hiệp xả lũ đưa đến. Ngay từ ngày 24/6, trang báo mạng Tân Hoa (Xinhuanet.com) của chính quyền Trung Quốc đã báo cáo rằng mực nước của đập Tam Hiệp đã vượt quá ngưỡng an toàn hơn 2 mét. Để giảm nguy cơ vỡ đập, chính quyền đã yêu cầu bốn trạm thủy điện trên dòng chảy chính của sông Dương Tử gồm đập Tam Hiệp, đập Cát Châu, đập Khê Lạc Độ và đập Hướng Gia, vận hành hết công suất, đồng thời cho phép nghìn hồ chứa ở trung du và hạ du sông xả lũ khẩn cấp.

Đây là lần đầu tiên trạm phát điện bậc thang trên dòng chính của sông Trường Giang vận hành hết công suất trong năm 2020. Ngoại giới chỉ ra rằng đây thực chất chính là mở áp xả lũ.

Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), chuyên gia bình luận vấn đề thời sự cho biết: “Kể từ ngày 23/6, bốn trạm thủy điện của Tam Hiệp, đập Cát Châu, đập Khê Lạc Độ và đập Hướng Gia chính là đã mở toàn bộ áp để xả lũ. Các phương tiện truyền thông của đảng không nói trực tiếp, mà chỉ đề cập đến việc sản xuất điện, nhưng vô tình lại bị trang Nhật báo Đông Phương của truyền thông đảng ở Hồng Kông chọc thủng một lỗ”.

Vào ngày 25/6, trang Nhật báo Đông Phương đã cho ra bài viết với tiêu đề “Nước lũ dâng cao, Tam Hiệp khẩn cấp xả lũ cứu con đập”, đưa tin đập Tam Hiệp xả lũ.

Có cư dân mạng chỉ trích: “Xả lũ liên tục như vậy so với vỡ đập có khác gì nhau?”.

Cũng có cư dân mạng khiển trách: “Với thành phố Nghi Xương mà nói thì đập Tam Hiệp  vốn không chặn được lũ. Thay vào đó, vì để bảo vệ Trùng Khánh hoặc bảo vệ đập Tam Hiệp mà mở áp xả lũ, làm trầm trọng thêm lũ lụt ở vùng hạ du. Tức là đối với vùng hạ du mà nói, hiệu ứng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp gần như bằng không, nhưng chính quyền ngày trước lại luôn khoác lác rằng con đập có thể ngăn chặn được trận đại hồng thủy nghìn năm mới gặp một lần. Đối với thượng du thì càng không nói đến chuyện ngăn lũ, thế thì vai trò của nó thực sự chỉ là ở sản xuất điện, nhưng chi phí sản xuất điện của nó lại không ngừng tăng cao, nghe nói không ai muốn mua điện với giá cao như vậy cả, chỉ là người ta không có sự lựa chọn nào khác. Kết luận: Bản thân công trình đập Tam Hiệp đã là một sự sai lầm, là phạm tội đối với quốc gia dân tộc”.

Cũng có cư dân mạng nói rằng: “Nếu không xả lũ, không chỉ thượng du sông bị ngập, mà vỡ đập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Còn như xả lũ, thì hạ du sông bị ngập, đây là hậu quả của cái công trình ngu xuẩn nhất trong lịch sử loài người”.

Theo Fan Ming, NTDTV
Vũ Dương biên dịch

Đăng theo DKN