Tin tức về rò rỉ nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã làm dấy lên sự chú ý của quốc tế. Ông Lê Quảng Đức, nhà hoạch định chính sách và kỹ sư của Liên minh chuyên ngành công Hồng Kông, người từ lâu đã quan tâm đến năng lượng hạt nhân, trong tiết mục “Những lời chân thật” của trang Epoch Times đã tiết lộ lý do tại sao Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn là rất nguy hiểm.

Tin tức về vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn được CNN tiết lộ ngày 14/6. Theo báo cáo, Framatome, một công ty của Pháp liên quan đến việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, đã viết thư cho chính phủ Mỹ hai lần vào ngày 3 và 8/6, nói rằng nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn có “mối đe dọa sắp xảy ra về phóng xạ hạt nhân “và yêu cầu Bộ năng lượng Mỹ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Bức thư cũng nêu rõ để không phải đóng cửa lò phản ứng hạt nhân, Trung Quốc đã nâng giới hạn tối đa bức xạ hạt nhân bên ngoài Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, và giới hạn sau khi tăng đã vượt quá tiêu chuẩn của Pháp.

Ông Lê Quảng Đức cho biết: “Bản thân việc giám sát hạt nhân và giám sát an toàn của Trung Quốc là một hệ thống hoạt động rất mờ ám”.

Giám đốc điều hành Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã trả lời trong một cuộc họp báo trước cuộc họp điều hành vào ngày 15 tháng 6, nói rằng bà “rất coi trọng vụ việc” và sẽ chủ động tìm hiểu tình hình với chính quyền tỉnh Quảng Đông, đồng thời trích dẫn dữ liệu của Đài quan sát rằng tất cả các chỉ số như bức xạ môi trường ở Hồng Kông đều bình thường.

Ông Lê chỉ trích sự yếu kém của chính phủ Hồng Kông trong việc xử lý các vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân. Ông nói: “Mặc dù các tổ chức phi chính phủ đã yêu cầu chính phủ thiết lập cơ chế giám sát thông qua cuộc họp phối hợp Quảng Đông – Hồng Kông, bà Lâm từng nói rằng sẽ tăng cường liên lạc với tỉnh Quảng Đông, nhưng nó luôn nằm trên giấy và không có kết quả”.

Các nhà vật lý hạt nhân nói rằng có nguy cơ nổ

Ông Lê cũng chỉ ra rằng lần này chính quyền ĐCSTQ đã tự ý hạ thấp tiêu chuẩn an toàn của họ. Trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, do nắp trên của lò phản ứng không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn hạt nhân của Pháp nên phía Pháp đề nghị dừng thi công, nhưng phía Trung Quốc nhất quyết tiếp tục xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của nước mình.

Vào tháng 6/2018, Cục Quản lý An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc xác nhận rằng nắp trên bình chịu áp lực của Tổ máy 1 Nhà máy Điện hạt nhân Đài Sơn đã gặp vấn đề về hàm lượng carbon quá mức.

Hoàng Từ Bình, cựu chuyên gia vật lý hạt nhân thuộc Bộ Công nghiệp Hạt nhân Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTDTV rằng hàm lượng carbon quá mức trong nắp trên của bình áp suất có thể gây nổ, với hậu quả thảm khốc. Bà nói, “Bản thân thép cacbon cao tương đối giòn, và nó sẽ nổ, điều đó thật khủng khiếp. Họ (ĐCSTQ) muốn trấn an người dân và nói rằng các chỉ số vẫn bình thường. Một khi nó bất thường và phát nổ, nó sẽ hoàn toàn không bình thường. Đây không phải là vấn đề đơn giản là rò rỉ từ từ, mà là vấn đề có khả năng gây ra cháy nổ”.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn sử dụng Lò phản ứng nước điều áp châu Âu (của EDF) cho hai tổ máy, hiện là lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba duy nhất đang hoạt động trên thế giới. Ông Lê Quảng Đức tin rằng Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn là nhà máy điện hạt nhân rủi ro nhất trên thế giới.

Ông nói: “Công nghệ này được gọi là công nghệ lò phản ứng nước điều áp của châu Âu. Nó không được hoàn thiện ở châu Âu, nhưng nó lại được hoàn thiện ở Trung Quốc. Bạn nghe nó sẽ thấy lạ, vì nó là công nghệ của châu Âu, và chính châu Âu cũng cảm thấy nó không tốt, vậy mà Trung Quốc đã dùng trước rồi”.

Ông Lê cho rằng vụ rò rỉ khí trơ được báo cáo từ nhà máy điện hạt nhân có thể mới chỉ là rò rỉ trong bình chứa và chưa ra không khí, điều này chưa gây ra khủng hoảng trong thời điểm hiện tại. Nhưng nếu đợi đến khi phóng xạ ra ngoài mới khắc phục thì sẽ không phải là kết quả mà mọi người đều mong đợi.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn nằm ở thị trấn Xích Khê, thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, cách Hồng Kông 130 km. Ngoài nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, hai nhà máy điện hạt nhân gần Hong Kong nhất là nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á và Lĩnh Úc, cách các khu dân cư Hong Kong khoảng 50 km. Gần Hồng Kông còn có Nhà máy điện hạt nhân Dương Giang, Nhà máy điện hạt nhân Huệ Châu Thái Bình Lĩnh và Nhà máy điện hạt nhân Lục Phong đang được xây dựng. Một số người nói rằng Hồng Kông đã được bao quanh bởi các nhà máy điện hạt nhân.

Nhà bình luận về vấn đề thời sự Văn Chiêu đã chỉ ra trong chương trình YouTube rằng theo định luật Murphy trong thống kê, chỉ cần xác suất lớn hơn 0 thì điều gì đó sẽ xảy ra. Nói cách khác, chừng nào nhà máy điện hạt nhân vẫn còn được sử dụng, thì vẫn luôn tồn tại khả năng một lúc nào đó một lò phản ứng sẽ xảy ra sự cố. Hơn nữa, sự mờ mịt về thể chế và sự trì hoãn của ĐCSTQ là điều vô cùng đáng sợ đối với các vấn đề như thế này.

Theo ĐKN