Trên thế gian có một thứ gọi là sự lương thiện không công khai, đáng để người khác tôn trọng và học hỏi.

Có một vị họa sỹ từng vẽ một bức họa như thế này: Có một người bị mắc kẹt trong một cái hố, người ở bên ngoài liền nghĩ cách giúp anh ta trèo lên, chỉ đáng tiếc là bởi vì khoảng cách từ miệng hố đến đáy là một đoạn khá xa nên tất cả chỉ là uổng công vô ích. Nhưng điều khiến người ta kỳ lạ nhất là mọi người ở trên miệng hố chỉ cố gắng chìa tay ra cho người bị nạn dù ai nhìn cũng biết là anh ấy không thể với tới tay họ được, trong khi cái thang thực sự có thể giúp anh ấy thì lại ở sau lưng những người đang giúp anh.

Đôi khi những người biểu hiện ra ngoài là giơ tay giúp đỡ chưa chắc đã là những người bạn thực sự, những người nói giúp đỡ chúng ta chưa chắc đã là những người có thiện chí.

Có câu chuyện được chia sẻ trên trang Khán Trung Quốc thế này, hai diễn viên nổi tiếng Hồng Kông là Châu Nhuận Phát và Ngô Mạnh Đạt, thời trẻ từng là những người bạn thân thiết. Trước khi ra mắt công chúng, hai người họ ngày ngày ở bên nhau, đối với họ mà nói, niềm hạnh phúc của đời người đó là cùng nhau uống rượu, nói chuyện trên trời dưới đất.

Sau này, năm 20 tuổi, Ngô Mạnh Đạt đã trở thành một diễn viên nổi tiếng, thậm chí là một huyền thoại trong làng giải trí. Con người khi bị cám dỗ bởi danh lợi, thì cũng giống như đi trên một con đường không có điểm quay đầu, càng đi càng gần đến vực thẳm.

Ngô Mạnh Đạt bắt đầu đắm chìm trong tửu sắc và cờ bạc, công việc diễn xuất cũng qua quýt cho xong, cuối cùng chính tay mình huỷ đi sự nghiệp mà bản thân mình cực khổ gây dựng, hơn nữa còn nợ một khoản nợ khổng lồ.

Lúc này, người bạn thân năm nào Châu Nhuận Phát với vai Hứa Văn Cường trong bộ phim “Bến Thượng Hải” và bắt đầu nổi tiếng.

Diễn viên Châu Nhuận Phát và Ngô Mạnh Đạt (ảnh: Dẫn qua Epochtimes).

Châu Nhuận Phát vốn là người rất hào phóng, vì thế trả nợ cho bạn số tiền vài chục vạn với anh không phải là chuyện khó. Ngô Mạnh Đạt cũng rất nhanh đến tìm Châu Nhuận Phát vay tiền nhưng không ngờ Châu Nhuận Phát lập tức khước từ, một đồng cũng không cho vay mà còn nói với bạn mình: “Đấy là do bản thân cậu quyết định”.

Ngô Mạnh Đạt tan nát cõi lòng, đã từng là bạn bè thân thiết của nhau, vậy mà khi mình gặp khó khăn, người ta lại không muốn đưa tay ra giúp đỡ, vậy thì còn gọi gì là bạn bè? Lúc đó, anh rất hận Châu Nhuận Phát, lập lời thề: “Có chết cũng không muốn gặp lại nhau”.

Ngay trong lúc bước vào đường cùng, cuộc sống rơi vào bế tắc, không ai mời Ngô Mạnh Đạt đi đóng phim, thì một hôm anh nhận được điện thoại của một vị đạo diễn. Như vớ được phao cứu sinh, Ngô Mạnh Đạt liền nắm chắc cơ hội này, diễn xuất bằng tất cả sức lực của mình. Sau bộ phim, Ngô Mạnh Đạt cũng được khán giả đón nhận trở lại, không những kiếm đủ tiền trả nợ cho mình mà còn nhận được giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất trong giải thưởng Kim Tượng năm đó.

Tại lễ trao giải, người bạn thân năm nào Châu Nhuận Phát cũng ở dưới khán đài, nhưng Ngô Mạnh Đạt phớt lờ anh và không ngừng biểu đạt lòng biết ơn của mình với đạo diễn. Nhưng lúc này đạo diễn lại nhắc nhở Ngô Mạnh Đạt: “Người cậu nên cảm ơn không phải là tôi”.

Thì ra người năm đó cố gắng thuyết phục đạo diễn mời Ngô Nhậm Đạt chính là Châu Nhuận Phát.

Ngô Mạnh Đạt sau khi biết được chân tướng như bừng tỉnh mộng. Anh vốn nghĩ bản thân đã nhìn rõ bản chất của con người nhưng lại không hiểu được ý tốt của người bạn thân. Năm đó nếu Châu Nhuận Phát đưa cho anh 30 vạn để trả nợ thì anh vẫn ngày đêm đắm chìm trong sai lầm và không bao giờ có thể vực dậy bản thân mình.

Hoàn cảnh đáng thương sẽ không mang đến sự cứu giúp, chỉ có kiên trì bất khuất mới đáng được tôn trọng.

Đây cũng chính là lời mà người từng là anh em tốt của anh muốn truyền đạt cho anh.

Trên thế gian vẫn tồn tại một loại thiện ý, đó là ngoài mặt có thể mắng người ta dồn dập nhưng lại âm thầm giúp đỡ dọn dẹp mớ hỗn độn.

Thiện lương, chưa từng là để làm thỏa mãn tâm nguyện của bản thân, cũng không phải là hùa theo hy vọng của người khác.

Cách biểu đạt thiện ý tốt nhất, chưa bao giờ là thương hại bố thí theo kiểu ban phát từ trên cao xuống, mà là giúp đỡ một cách âm thầm mà không hạ thấp lòng tự trọng của đối phương.

Những người giúp đỡ người khác bằng tấm lòng thiện lương không công khai, đều đáng để chúng ta tôn trọng và học hỏi.

Theo ĐKN