Trong dân gian lưu truyền rằng, Chu Nguyên Chương, vị vua khai quốc của nhà Minh có một khuôn mặt phải nói là rất xấu xí.

Nếu không phải vì ông là hoàng đế khai quốc, giang sơn là do ông tạo dựng lên, mà phải trải qua cuộc tuyển chọn người thừa kế vương vị như những triều đại khác, thì với tướng mạo của Chu Nguyên Chương chắc chắn không được chọn làm người thừa kế ngôi vua. Giống như bức tranh chân dung của Minh Thái Tông Chu Nguyên Chương xuất hiện trong đoạn đầu bộ phim “Tà Không Thắng Chính” (Hidden Man 2018), khuôn mặt ông dài như cây xỏ giày, lại còn có nhiều nốt ruồi. Trong Thiên Trì Tự nằm ở phía đông Thái Ất Cung thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, cũng từng cung phụng một bức tranh chân dung của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.

Trương Hãn thời nhà Minh từng ghi chép một sự việc trong “Tông Song Mộng Ngữ” như sau: Vì chuyện vẽ tranh chân dung mà Chu Nguyên Chương đã từng giết không ít người, nguyên nhân chỉ có một, đó là vì họ vẽ quá giống.

“Minh Thái Tổ Bảo Lục” vào ngày Mậu Thân tháng 12 năm Ngô Nguyên (năm 1367) ghi chép: “Người trong mộng lấy ngọc đặt vào cổ, khiến thịt nơi cổ hơi đau, nghi là bị bệnh. Dùng thuốc đắp vào, vô hiệu, sau đó biến thành đoạn xương dài, vô cùng quái dị”.

Ý nghĩa của đoạn ghi chép trên là vào ngày Mậu Thân tháng 12 năm Ngô Nguyên, Chu Nguyên Chương đang chuẩn bị xưng đế, đột nhiên tướng mặt có sự biến hóa. Ông mơ thấy trên cổ mình đeo một miếng vòng ngọc, thắt chặt vào cổ, có hơi đau một chút, nhưng đắp thuốc vào cũng không thấy đỡ hơn, sau đó thì biến thành một khuôn mặt quái dị.

Năm Vĩnh Lạc thứ 11 (năm 1413), khi xây dựng bia đá thánh đức thần công trong Hiếu Lăng, tướng mạo của Chu Nguyên Chương lại biến thành “râu rồng rậm rạp, cục xương kỳ lạ ở cổ nhô lên đến trên đỉnh đầu, dáng vẻ uy nghi, nhìn như một vị thánh”.

Vào thời nhà Minh, cha của Trương Huyên từng làm quan tri huyện tại Vân Nam, từng đến phủ Kiềm quốc công “vẽ lại dung nhan của vua (Chu Nguyên Chương), râu ria rậm rạp, má trái có mười hai nốt ruồi đen, bộ dạng rất kỳ quái, giống với lời đồn trong thế gian, giống như thật”.

Trong “Cổ Kim Thức Giám” nói rằng trước khi Chu Nguyên Chương trở nên nổi tiếng, có một đạo sĩ tên Thiết Quán từng xem tướng cho ông. Thiết Quán nói ông: “Tướng mạo phi thường, mắt rồng mắt phượng, thiên địa tương triều (trán với cằm hướng về nhau), ngũ ngục gần nhau (ngũ ngục: mũi, trán, cằm và hai gò má), nhật nguyệt sáng sủa (tức hai vị trí nhật giác và nguyệt giác trên khuôn mặt đều sáng bóng), giọng nói dõng dạc, là tướng rất quý. Nhưng tứ duy trệ khí, giống trạng thái mây trôi đi thì mặt trăng mới lộ ra, thiên đình tròn trĩa, đầu mũi thẳng, môi đỏ răng trắng, mắt hạnh má đào. Chờ khi thần thái tỏa sáng, giống như gió quét sạch âm khí, cũng tức là ngày nhận lệnh của trời (ý nói là ngày xưng đế làm vua), trong vòng một ngàn ngày nữa”.

Viện bảo tàng Cố Cung trưng bày tranh “Minh Thái Tổ đang ngồi”, phần giới thiệu viết là “Tranh Minh Thái Tổ đang ngồi vẽ trên lụa sơn mài, đường nét gọn gàng, phong cách cẩn trọng, diện tích tranh cực lớn, vô cùng khí thế. Trong tranh hoàng đế đội chiếc mũ ô sa chiết thượng cân, mặc long bào cổ tròn màu vàng, ngồi trên chiếc ghế vàng, dung mạo hài hòa, râu ngắn nhưng đen, đang độ tuổi cường tráng”. Ý muốn nói rằng Chu Nguyên Chương có “dung mạo hài hòa”, có khuôn mặt rất khôi ngô. Trong Thái Minh Bổn Ký của “Minh Sử” có ghi chép về tướng mạo của Chu Nguyên Chương như sau: “Dáng vẻ to lớn, xương sọ kỳ quái, ý chí cao xa, không ai đoán được”, “tướng mạo đẹp đẽ, dáng rồng mắt phượng, giọng vang như chuông, xương sọ kỳ quái”, xương sọ quái dị rốt cuộc là đẹp trai hay là xấu xí đây?

Trong Nam Huân Điện của Tử Cấm Thành có cất giấu rất nhiều tranh ảnh của các vua chúa, hoàng hậu và các đại thần của nhiều triều đại, tranh vẽ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có thể nói là một người rất đẹp trai, quả thật là một sự kết hợp giữa khí chất nho nhã và diện mạo đẹp trai dũng mãnh.

Trương Hãn  (1510-1593) sống vào giữa thời nhà Minh có ghi chép trong “Tông Song Mộng Ngữ” rằng, khi ông nhậm chức Nam Tư Không, từng vào làm tại Vũ Anh Điện, được tận mắt chiêm ngưỡng tranh chân dung của Chu Nguyên Chương và Chu Đệ. Ông nói: “Dung mạo của Thái Tổ, mày thanh mục tú, mũi thẳng môi dài, mặt như trăng tròn, râu không rậm rạp, không giống với những gì dân gian lưu truyền”.

Tranh vẽ Chu Nguyên Chương (Nguồn: Wikipedia)

Vậy thì rốt cuộc Chu Nguyên Chương có bộ dạng trông như thế nào?

Những văn nhân viết sử sách chắc chắn sẽ không nói những lời lẽ thô lỗ, càng không nói vị hoàng đế nào đó trông rất xấu xí. Hơn nữa triều đại nhà Minh kéo dài rất lâu, con cháu hậu thế chắc là đã không nhớ được tổ tiên của mình trông như thế nào. Vì vậy vẫn chưa thể xác minh được tướng mạo thật sự của Chu Nguyên Chương.

Bên cạnh Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương có một kỳ nhân, người này thần cơ diệu toán, ông hình như đã biết trước rất nhiều chuyện của hậu thế sau này. Người này chính là Lưu Bá Ôn. Vì vậy người đời sau cho rằng, Lưu Bá Ôn đã chôn giấu bí mật về tướng mạo của Chu Nguyên Chương dưới bức tường thành mà Lưu Bá Ôn xây cho nhà Minh.

Các thành trì cổ xưa của Trung Quốc, đều cố gắng áp dụng khái niệm thiết kế theo quy tắc vuông tròn, duy nhất chỉ có thiết kế của thành Nam Kinh, không vuông cũng không tròn. Dân gian lưu truyền rằng tường thành Nam Kinh là hình hồ lô, có một số chuyên gia nghiên cứu cho rằng là hình bánh ú, hình cây quạt cung đình.

Có học giả lại cho rằng, đây là do quốc sư Lưu Bá Ôn dựa theo đặc điểm phong thủy độc đáo của Nam Kinh để xây dựng, là kiệt tác kinh điển tận dụng triệt để các yếu tố địa lý. Ngày nay quan niệm truyền thống này đã thay đổi, các học giả hiện đại thông qua nghiên cứu và đối chiếu nhiều lần, phát hiện ra thành Nam Kinh của nhà Minh lúc đó là một bố cục phong thủy do Chu Nguyên Chương dựa theo kiến nghị của Lưu Bá Ôn để xây dựng, là một thành trì độc đáo duy nhất của Trung Quốc. Tường thành là sự kết hợp giữa sao Nam Đẩu và sao Bắc Đẩu, thể hiện ra được trình độ phong thủy của Lưu Bá Ôn vô cùng rõ rệt.

Một nửa tường thành phía đông là hình dạng bảy ngôi sao Bắc Đẩu. Vị trí các ngôi sao lần lượt từ nam sang bắc ngược chiều kim đồng hồ: Thông Tề Môn, Chính Dương Môn, Triều Dương Môn, Thái Bình Môn, Thần Sách Môn, Kim Xuyên Môn, Chung Phụ Môn. Một nửa tường thành phía tây là hình dạng sáu ngôi sao Nam Đẩu, vị trí các ngôi sao lần lượt từ nam sang bắc thuận theo chiều kim đồng hồ: Tụ Bảo Môn, Tam Sơn Môn, Thạch Thành Môn, Thanh Lượng Môn, Định Hoài Môn, Nghi Phụng Môn.

Hoàng cung của Chu Nguyên Chương và hoàng hậu nằm ở trong “cái muỗng” của sao Bắc Đẩu, là nơi tụ khí nhiều nhất, đối ứng với chòm sao trên trời, vị trí này là nơi ở của thiên hoàng.

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương và tường thành nhà Minh ở Nam Kinh (Ảnh: Sound Of Hope).

Tuy nhiên nếu như đem bản đồ tường thành Nam Kinh để đối chiếu với tranh vẽ của Chu Nguyên Chương phiên bản xấu xí, sẽ thấy là bản đồ tường thành không khác gì là bản photo khuôn mặt của Chu Nguyên Chương từ phiên bản xấu xí. Phải chăng đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi? Hay đây là một câu đố liên quan đến Chu Nguyên Chương mà quân sư thần cơ diệu đoán Lưu Bá Ôn cố tình để lại cho đời sau?

Ngoài ra, sau khi tường thành được xây dựng hoàn tất, Chu Nguyên Chương dẫn theo các đại thần gồm Lưu Bá Ôn, Tống Liêm, Lý Thiện Trường đi đến chân tường thành cao lớn vừa mới xây dựng xong, ông vô cùng tự hào nói rằng, tường thành kiên cố như vậy, có ai có thể đánh vào đây được chứ?

Những người khác đều lên tiếng đồng tình với vua,  Lưu Bá Ôn cũng lên tiếng nói rằng: “Tường thành kiên cố không ai có thể công phá, chỉ có chim yến có thể bay vào”. Ai ngờ rằng trong câu nói này của Lưu Bá Ôn có ẩn chứa hàm ý thâm sâu, chim yến tức là Yến Vương Chu Đệ. Sau này Chu Đệ khởi binh, thật sự vượt qua được bức tường thành, đánh thẳng vào hoàng cung, cũng chính là “Loạn Tĩnh Nan”. Chu Đệ sau này trở thành Minh Thành Tổ nổi tiếng lịch sử. Điều này một lần nữa cho thấy Lưu Bá Ôn thần cơ diệu toán như thế nào!

Theo Sound Of Hope
Châu Yến biên dịch

Đăng theo ĐKN