Ngoài vấn đề sách giáo khoa mới giá quá cao, một số nội dung quá tải… thì việc vốn vay của Ngân hàng Thế giới để viết sách giáo khoa (SGK) được sử dụng như thế nào, cũng được các cử tri gửi đến trước và sau kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14.

Theo báo Thanh Niên, cử tri các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Bình, Bắc Giang… đều có chung nhận định, lo lắng về giá SGK mới quá cao. Cụ thể, các bộ sách lớp 1 mới đều có mức giá cao gấp hơn 3 lần so với giá sách lớp 1 cũ. 

Một số cử tri đề nghị không nên tăng giá SGK, tránh gây áp lực chi phí cho người dân vì hiện nay công tác phổ cập giáo dục đang được nhà nước quan tâm, đẩy mạnh. Cử tri cho rằng cần phải kiểm soát chặt chẽ giá, đề nghị giảm giá sách, thiết bị giáo dục; đưa giá sách vào danh mục bình ổn giá thị trường.

Cử tri một số tỉnh đồng tình với chủ trương cần có nhiều bộ SGK nhưng băn khoăn khi vận hành chủ trương rất mới mẻ này ở nước ta. 

Ví dụ, tại TP.Hải Phòng, Bạc Liêu, nhiều phụ huynh HS băn khoăn, lo lắng vì mỗi trường sử dụng một bộ SGK, nên nếu khi chuyển trường, HS sẽ khó khăn khi phải tiếp cận một bộ SGK mới, một phương pháp tiếp cận kiến thức khác. Do vậy, cử tri các tỉnh này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể.

Sách giáo khoa
Ảnh chụp màn hình báo Người Đưa Tin.

Bộ có nên biên soạn SGK bằng ngân sách?

Ngoài những ý kiến trên, một số cử tri bày tỏ sự bức xúc trước thông tin Bộ GD-ĐT sử dụng vốn vay 16 triệu USD của Ngân hàng Thế giới để biên soạn thêm bộ SGK giáo dục phổ thông, trong khi đã có 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt. Cử tri cho rằng việc biên soạn bộ SGK riêng của Bộ là không cần thiết, gây lãng phí lớn, làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục…

Bộ GD-ĐT cho rằng: theo thiết kế, khoản kinh phí để triển khai tổ chức biên soạn một bộ SGK (do Bộ GD-ĐT thực hiện) và thẩm định các SGK là 16.068.150 USD (15.068.150 USD vốn vay Ngân hàng Thế giới và 1 triệu USD vốn đối ứng), bao gồm: bồi dưỡng, tập huấn cho tác giả SGK, thuê chuyên gia tư vấn quốc tế về biên soạn SGK, thuê tư vấn trong nước biên soạn một bộ SGK, tổ chức trại biên soạn và thẩm định các bộ SGK, thực nghiệm SGK; biên soạn SGK song ngữ tiếng Việt – tiếng một số dân tộc ít người một số môn học cấp tiểu học; biên soạn và thử nghiệm SGK điện tử.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết đến thời điểm này việc tổ chức việc biên soạn một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12 (gồm 137 đầu SGK), sử dụng kinh phí từ nguồn vốn vay chưa thực hiện được. 

Bộ GD-ĐT đã 2 lần tổ chức đấu thầu tuyển chọn tác giả để tổ chức biên soạn SGK lớp 1 để triển khai thực hiện từ năm học 2020 – 2021 theo quy định, tuy nhiên việc tuyển chọn tác giả SGK chưa thực hiện được, nguyên nhân là không có đủ nhóm tác giả tham gia thầu hoặc tác giả đã tham gia đấu thầu sau đó bỏ thầu do vướng mắc quy định về kinh phí (so với kinh phí của các nhà xuất bản chi trả). Do vậy, khoản kinh phí này vẫn trong tài khoản của Ngân hàng Thế giới.

Trước đó, Việt Nam chi khoảng 77 triệu USD vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới để đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, có hơn 16 triệu USD dự kiến để Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa.

Theo ĐKN