Vào năm Đinh Hợi (1767), lúc đó Hoàng đế Càn Long triều đại nhà Thanh đang tại vị. Thôn Trấn Giang muốn tu sửa miếu Thành Hoàng. Người dân giao cho 3 người trong làng phụ trách việc quyên tiền công đức là Nghiễm Mỗ, Cao Mỗ và Lữ Mỗ. Nhiệm vụ của họ là thu nhận và ghi chép tài chính, ai quyên tiền thì ghi vào sổ công đức… 

Một hôm, vào lúc sáng sớm, khi trời đang mưa, một phụ nữ ngồi kiệu đi tới, từ trong tay áo, cô lấy ra một thỏi bạc giao cho Nghiễm Mỗ và nói: “Đây là 50 lượng bạc dùng công đức tu sửa miếu Thành Hoàng, phiền ngài ghi giúp”. Nghiễm Mỗ nhận thỏi bạc sau đó mới hỏi danh tính người phụ nữ để ghi tên. Người phụ nữ trả lời: “Chỉ là một việc thiện nhỏ, sao cần phải để lại danh tính, phiền ngài chỉ cần ghi rõ số lượng bạc công đức là được”. Cô nói xong liền rời đi. 

Sau khi Cao Mỗ và Lữ Mỗ đến, Nghiễm Mỗ đã kể lại câu chuyện cho hai người nghe và cùng họ thương lượng nên ghi như thế nào. Lữ Mỗ cười nói: “Là gì vậy? Lại muốn ghi sổ sao? Nhân lúc không ai biết sự việc này, chúng ta chia nhau khoản tiền, sẽ không ai truy cứu”. Cao Mỗ nói thêm: “Ý tưởng này thật hay”. Nghiễm Mỗ không đồng ý nên đã cố gắng khuyên can, tuy nhiên Lữ và Cao không nghe. Nghiễm không thể làm gì khác đành quay người bỏ đi, ngay sau đó Lữ và Cao đã chia nhau 50 lượng bạc này. 

Sau khi công việc sửa miếu hoàn thành, sự tình này chỉ có Nghiễm Mỗ là biết rõ. Tuy nhiên, không đến một năm sau thì Cao chết, năm kế tiếp thì Lữ qua đời. Sau đó, Nghiễm cũng không nói với ai một lời về việc này. 

Vào mùa xuân năm Mậu Tuất, hiệu Càn Long (1777), Nghiễm Mỗ mắc bệnh nặng, đang trong cơn hôn mê thì thấy có hai vị sứ giả, tay cầm trát đến nói với ông: “Một người phụ nữ tố cáo ông với Thần Thành Hoàng, chúng tôi phụng chỉ đến đưa ông tới đối chất”. Nghiễm Mỗ hỏi hình dáng của người phụ nữ này trông như thế nào, tuy nhiên hai vị sứ giả trả lời là không biết. Sau đó, Nghiễm đã vâng lệnh đi theo hai sứ giả đến miếu Thành Hoàng. Bình thường ở lối vào của ngôi miếu rất sôi động, tuy nhiên hôm nay ông lại thấy vắng vẻ và trang nghiêm lạ thường, hơn nữa còn không có một bóng người qua lại. Ngày bình thường, quầy bán hàng cùng sạp xem bói quẻ, toán đoán mệnh được bày đầy ở lối đi, hai bên cửa miếu đều có người ở đó, nhưng giờ thì chỉ thấy sai dịch đứng trực đợi cửa. 

Sau khi bước qua cây cầu gỗ rồi tiến vào bên trong lớp cửa thứ 2, một người đeo gông cùm nhìn thấy Nghiễm Mỗ liền hét lớn: “Nghiễm đệ đã đến rồi”. Nghiễm mỗ nhìn kỹ một chút thì phát hiện ra đó là Cao Mỗ. Cao Mỗ vừa khóc vừa nói: “Đệ à, huynh qua đời đã 5 năm rồi, tính đến thời điểm hiện tại đã chịu phạt 4 năm tội lỗi, đều là những tội mà khi còn sống đã gây ra. Vì vụ việc liên quan đến chia tiền công đức mà phải đến đây chờ xét xử”. Nghiễm Mỗ trả lời: “Việc chia tiền công đức đã xảy ra hơn 10 năm rồi, vì điều gì mà sự việc đó lại được nhắc lại, chắc là do người phụ nữ kia đã tố cáo phải không?”. 

Cao Mỗ nói: “Không phải. Người phụ nữ kia đã qua đời cách đây hai tháng. Người ta sau khi chết, quỷ hồn đều áp giải họ đến miếu Thành Hoàng. Người phụ nữ đó là một người tốt, sau khi qua đời, quỷ hồn có đưa cô đến trước mặt Thần Thành Hoàng để thẩm tra, Thành Hoàng có hỏi đùa bà: “Nghe nói khi còn sống, nhà ngươi rất thích làm việc thiện. Mấy năm trước miếu Thành Hoàng được mọi người quyên góp tu sửa, nhà ngươi thuộc loại người phóng khoáng tiền bạc mà không chi ra đồng nào, đây là vì điều gì?” Người phụ nữ đáp: “Ngày 20/6 năm đó, tôi có quyên góp 50 lượng bạc và đưa cho một vị tú tài họ Nghiễm để tu sửa miếu. Tôi thấy đây là việc quá nhỏ nên không muốn ghi danh vào sổ công đức, cho nên Ngài không biết chuyện này”. 

Thấy vậy, thần Thành Hoàng đã sai quan trông coi việc ác điều tra kỹ lưỡng vấn đề này. Những thứ không được ghi chép trên giấy tờ đều lộ hết ra rồi. Bởi vì lúc trước không nghe khuyên can nên huynh mới bị gọi đến đây để đối chất”. Nghiễm Mỗ hỏi: “Sao không thấy Lữ huynh? Anh ấy giờ ở đâu?” Cao Mỗ thở dài một tiếng rồi trả lời: “Khi còn sống, anh ấy đã tạo quá nhiều nghiệp chướng, không chỉ đắc tội ở mỗi việc chia tiền công đức này, giờ đang chịu đọa đày trong địa ngục”. 

Cao Mỗ vừa dứt lời thì đột nhiên có hai sai dịch đi tới nói với hai người: “Thần Thành Hoàng đã thăng đường thẩm vấn”. Sau đó Cao và Nghiễm đã đi theo sai dịch đến công đường. Tới nơi, hai người thấy hai tiểu đồng cầm theo thẻ bài dẫn theo một người phụ nữ tới, tiếp đến là một sai dịch khác dẫn theo một tên tội phạm đeo gông cùm tới, người này chính là Lữ Mỗ. Những người liên quan đến vụ án đã được mời đến đông đủ. Thần Thành Hoàng bắt đầu xử án. Ngài thẩm vấn Nghiễm Mỗ: “Người phụ nữ tốt bụng kia có từng đưa bạc tới tận tay cho nhà ngươi không?” Nghiễm mỗ nghe xong liền đem toàn bộ sự việc kể lại từ đầu đến cuối. 

Sau khi nghe xong, Thần Thành Hoàng nói với phán quan hầu tòa ngồi bên cạnh: “Vụ án này liên quan đến văn phòng sửa chữa, một mình cá nhân ta không thể xử. Hãy viết rõ tình tiết vụ án và áp giải người liên quan đến điện Đông Nhạc đại đế, để ông ấy định đoạt”. Nói xong, hai tiểu đồng nhận được lệnh đưa người phụ nữ tốt bụng về nhà. 

Hai sai dịch nhận lệnh giải Nghiễm, Cao, Lữ ra cửa tây miếu Thành Hoàng. Trên đường đi có rất nhiều người, có người nam mặc trang phục phụ nữ, cũng có phụ nữ mặc trang phục của nam, trên đầu đội bao muối, trên thân có da cừu da chó, chỗ nào cũng màu đen. 

Một trong hai viên sai dịch nói: “Đây là những người đã chết trong vụ đốt thuyền muối năm Càn Long thứ 36. Bất kể là do chết chìm hay chết cháy, hôm nay nghiệp đã trả đủ và chuẩn bị đi đầu thai”. Sai dịch nói với Nghiễm mỗ: “Khó được Đông Nhạc đại đế thẩm vấn hôm nay, chúng ta nhanh đưa tài liệu”. Nói xong, một trong hai sai dịch liền đi ngay. 

Chỉ trong chốc lát, sai dịch vừa đi trình án đã chạy lại nói: “Tài liệu đã được gửi, lại đây nghe xử án”. Nghiễm mỗ cùng Cao và Lữ lập tức chạy tới, chưa kịp dừng chân thì đã nghe thấy trên điện có người tuyên án nói: “Cao Mỗ ăn trộm tiền công đức, tội không lớn, cứ dựa theo Thành Hoàng định tội, cho hắn mang chiếc gông; Lữ Mỗ, khi còn sống thường dựa vào viết lách mà ăn tiền đút lót, ghi đơn kiện, hại dân lành, tội lỗi không nhỏ, ngoài việc phải đeo gông, cần để Hỏa Thần thiêu đốt thân thể. Nghiễm Mỗ là một người chính nghĩa, dương thọ chưa hết, đưa hắn lên dương gian càng sớm càng tốt”. 

Nghiễm Mỗ nghe xong vô cùng bàng hoàng. Từ trong mơ tỉnh dậy, thấy bản thân đang nằm trên giường, người trong nhà đều mặc áo vải để tang. Nghiễm Mỗ hỏi thăm xem trong nhà có sự tình gì nghiêm trọng, người nhà đáp: “Anh đã chết 3 ngày rồi, chỉ vì trong thấy cơ thể anh luôn phát ra khí nóng nên mọi người vẫn chưa khâm liệm mà ở đây trông coi”. Sau khi nghe xong, Nghiễm Mỗ liền kể lại sự tình trong mộng, người nhà đều cả sợ nhưng trong lòng vẫn bán tín bán nghi. Vào đêm tháng 8 một năm sau đó, nhà họ Lữ phát sinh hỏa hoạn, gia tài của họ Mỗ bị cháy sạch.

Theo Sound Of Hope 
San San biên dịch

Đăng theo ĐKN