Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc

Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc

Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc

Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc

Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc
Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc
Thứ bảy, 20-04-2024 16:59, (GMT+07:00)
Bí ẩn về giọt lệ ăn năn của Gia Cát Lượng sau lệnh chém Mã Tốc
02-09-2020 10:43

Nhưng mà, từ cổ chí kim có một câu nói bất hủ rằng “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia” (Thắng bại thị binh gia thường sự), những tướng bại trận không phải lúc nào cũng bị trừng trị bằng cái chết. Vậy vì sao Gia Cát Lượng cứ nhất định phải xử trảm Mã Tốc? Mã Tốc đã phạm phải những tử tội nào?

Mã Tốc vì danh mà chết, cái tâm danh lợi ấy, chẳng đúng hại người hại mình hay sao? (Ảnh chụp màn hình Tam Quốc Diễn Nghĩa liên hoàn hoạ)

Đối với những ai quen thuộc với Hí khúc, đặc biệt là những người yêu thích Kinh kịch thì hẳn đã quá quen thuộc với “Thất-Không-Trảm”. Thất-Không-Trảm là tên chung của các vở kinh kịch truyền thống như “Thất Nhai Đình”, “Không Thành Kế” và “Trảm Mã Tốc”. Câu chuyện dựa trên tác phẩm cổ điển “Tam Quốc Diễn Nghĩa” kể về thời kỳ Tam Quốc, trong đó có một giai thoại về cuộc Bắc phạt do thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán chỉ huy.

Ngoài ra còn có Kinh kịch và các bộ phim cùng tên. Mã Liên Lương, một nghệ sĩ biểu diễn kinh kịch nổi tiếng của Bắc Kinh đã tái hiện lịch sử thông qua vai diễn Gia Cát Khổng Minh, đạt đến trình độ diễn xuất sống động như thật. Và chúng ta không thể không nhắc đến Mã Tốc, một nhân vật khá điển hình. Vì sao Mã Tốc lại phạm tội chết trong khi tuổi đời còn quá trẻ, khí phách hừng hực và quan trường còn chưa thỏa chí? Bài học đau thương nào được lưu lại cho hậu nhân đây?

Mã Tốc, tự là Ấu Thường, người Nghi Thành, Tương Dương (nay là phía nam Nghi Thành, Hồ Bắc). Tương truyền ông là kẻ tài hoa hơn người, đặc biệt thích nghị luận chiến lược quân sự nên được thừa tướng Gia Cát Lượng đánh giá cao và trọng dụng. Tuy nhiên trước khi Chúa công Lưu Bị qua đời tại thành Bạch Đế, trong giây phút lâm chung đã khuyên Gia Cát Lượng rằng: “Mã Tốc là người khoác lác, lời nói phóng đại không thực tế, không thể giao phó đại sự, khanh nên quan sát người này cẩn thận hơn.”

Nhưng Gia Cát Lượng không để tâm tới lời dặn của Lưu Bị, còn tiếp tục thăng Mã Tốc làm tham quân, thường gọi Mã Tốc đến cố vấn và bàn bạc kế sách quân sự.

Gia cát lượng ra lệnh chém Mã tốc
Chân dung Gia Cát Lượng. (Ảnh miền công cộng)

Vào năm Kiến Hưng thứ ba nhà Thục Hán, Gia Cát Lượng dẫn đại quân đi Nam Chinh bình định phiến loạn tại vùng đất Nam Trung khô cằn sỏi đá. Mã Tốc ở lại Thành Đô, trước khi chia tay lên đường, Gia Cát Lượng hỏi Mã Tốc kế sách dụng binh, ông hiến kế rằng: “Đạo dùng binh nên công tâm là thượng sách, công thành là hạ sách; tâm chiến là thượng sách, binh chiến là hạ sách. Hy vọng Ngài có thể khiến chúng tâm phục, Nam Trung tự nhiên yên định.”

Gia Cát Lượng vui vẻ tiếp nhận lời kiến nghị này, thất túng thất cầm Mạnh Hoạch (7 lần bắt rồi lại tha cho thủ lĩnh địa phương Mạnh Hoạch, cuối cùng Mạnh Hoạch cảm phục xin quy phục Thục Hán.)

Sau đó, sử dụng biện pháp lấy rợ trị rợ, không lưu quan cũng không lưu binh, nhưng lưu lại thủ lĩnh địa phương tiếp tục tại vị. Và chiểu theo lời cố vấn của Mã Tốc: “Hôm nay Ngài dùng vũ lực dẹp họ thì mai có cơ hội họ lại làm phản. Muốn diệt sạch chúng để trừ hậu họa thì kẻ nhân từ không nên làm thế, mà trong lúc vội vã càng khó làm được.”

Nói cách khác, kể cả sau khi Gia Cát Lượng qua đời vì bạo bệnh, các bộ tộc này chưa bao giờ nổi dậy chống lại Thục Hán. Điều này cho thấy Mã Tốc có những hiểu biết phi thường và thực sự có tài năng xuất chúng. Nên cũng không có gì là kỳ lạ khi Mã Tốc giành được sự ưu ái đặc biệt của thừa tướng Gia Cát, bậc thầy binh pháp và là người am hiểu sâu sắc về nghệ thuật tác chiến trong chiến tranh!

Mã Tốc giành được sự ưu ái của Gia Cát Lượng
Chân dung Mã Tốc. (Ảnh chụp màn hình)

Nhai Đình đại bại

Sau khi bình định xong phương Nam, Gia Cát Lượng dâng tấu chương lên Thục Hán hậu chủ Lưu Thiện, ấy là bản “Xuất sư biểu” nổi tiếng để phân tích tình hình đề nghị tiến quân. Nội dung nói rằng: “Nay phương Nam đã bình định, binh giáp đã đầy đủ đáng khích lệ ba quân; nay Bắc định Trung Nguyên, thần xin đem hết lòng khuyển mã, trừ sạch gian ác phục hưng triều Hán về lại cố đô, như vậy là thần báo đáp được Tiên đế, mà trúng với chức phận dưới bệ rồng vậy... Những mong bệ hạ ủy thác để thần được đánh kẻ nghịch tặc, phục hưng nhà Hán; nếu chẳng thành công, xin bắt tội thần, để báo cáo cùng vong linh Tiên đế”.

Thục Hán hậu chủ Lưu Thiện chấp thuận, giáng chiếu: “Gia Cát thừa tướng cương nghị trung trinh, dốc lòng vì nước, (vì thế) Tiên đế trao việc thiên hạ, phù trợ quả nhân. Nay ban cho mao việt, cùng với phó thác trọng quyền, thống lĩnh bộ kỵ hai mươi vạn binh, nắm giữ nguyên nhung, thay trời tru phạt, trừ hoạn dẹp loạn, chiếm lại kinh đô, chính là dịp này”.

Vào năm Kiến Hưng thứ sáu (năm 228), lần đầu tiên Gia Cát Lượng xuất binh Bắc phạt nước Ngụy. Ông mệnh lệnh Triệu Vân, Đặng Chi làm kế nghi binh, chiếm cứ Ki Cốc (nay thuộc phía Bắc Hán Trung, Thiểm Tây), còn đích thân Gia Cát thống lĩnh 10 vạn đại quân bất ngờ tấn công Kỳ Sơn.

Vào thời điểm đó, mọi người kiến nghị tướng quân Ngụy Diên và Ngô Ý, là hai vị tướng quân dày dặn kinh nghiệm trận mạc đảm nhiệm cánh quân tiên phong, nhưng Gia Cát Lượng đã bác bỏ và đưa ra quyết định ngược lại với ý kiến ​​của mọi người, ấy là thăng Mã Tốc làm tướng tiên phong và Vương Bình làm phó tướng cùng nhau xuất chinh. Trước khi lên đường, Gia Cát Lượng nhiều lần dặn dò Mã Tốc nhất định phải đóng quân ở nơi đường lớn, gần sông là chỗ có nước cho quân dùng.

Ngụy Minh Đế Tào Duệ biết Gia Cát Lượng sắp tấn công, ông đã phái Tư Mã Ý và Tổng đốc Trương Cáp dẫn quân mã đến Nhai Đình ngăn chặn Mã Tốc.

Vì quá kiêu ngạo, Mã Tốc đã làm ngược lại sự sắp đặt tác chiến của thừa tướng Gia Cát Lượng, ông cho rằng đóng quân trên núi mới là “Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre”, nên đã bỏ nguồn nước và đóng quân trên Nam Sơn.

Vương Bình nhiều lần can gián, nhưng Mã Tốc không tiếp thu kế sách. Cuối cùng, Vương Bình đành xin Mã Tốc cho 5.000 người ngựa ra đóng trại dưới chân núi.

Vương Bình nhiều lần can gián, nhưng Mã Tốc không tiếp thu kế sách.
Vương Bình nhiều lần can gián, nhưng Mã Tốc không tiếp thu kế sách. (Ảnh chụp màn hình)

Đại quân Tư Mã Ý và Trương Cáp tiến quân đến Nhai Đình, do thám thấy Mã Tốc từ bỏ nguồn nước và đóng quân trên núi nên trong tâm rất đỗi vui mừng, lập tức cử quân đi cắt nguồn nước, cắt đường lương thảo, và mang quân bao vây doanh trại của Mã Tốc trên núi.

Mấy ngày sau, quân đội của Mã Tốc không có nước uống khiến lòng quân tan rã, quân Thục không đánh mà tự loạn. Tư Mã Ý mệnh lệnh thừa thế tiến công, phóng hỏa đốt núi, nhân cơ hội phát động tấn công đánh bại Mã Tốc.

Mã Tốc thất thủ Nhai Đình, cục diện trận chiến đột ngột thay đổi. Sau khi Mã Tốc bại trận rút lui, đại quân Gia Cát Lượng mất đi điểm dừng chân, đành phải diễn màn “Không Thành Kế” ở Tây thành để dọa Tư Mã Ý, sau đó toàn bộ quân đội phải trở về Hán Trung. Lần này, Gia Cát Lượng đau xót mất đi cơ hội nghìn năm một thuở.

Trong cuộc Bắc phạt Trung Nguyên lần này, Gia Cát Khổng Minh vốn đã tính toán vẹn toàn, an bài và điều động cẩn mật, lại được hưởng ứng từ ba quận thuộc đất Lũng Hữu của nước Ngụy là Thiên Thủy, Nam An, An Định. Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn dụ hàng được danh tướng Ngụy là Khương Duy gây xôn xao cả miền Quan Trung. Nên quân Thục nắm thế chủ động quân sự tuyệt đối.

Tuy nhiên, vì Mã Tốc mà Nhai Đình thất thủ (Trương Cáp nhân đà tiến quân tái chiếm cả ba quận thuộc đất Lũng Hữu), hình thế đảo ngược, Gia Cát Lượng bị mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu, đại quân Thục không thể tiến nữa mà buộc phải lui về Hán Trung. Cuộc Bắc phạt đầu tiên của Gia Cát thừa tướng đến đây coi như thất bại.

Sau khi Gia Cát Lượng trở lại quân đội, đã xử trảm toàn bộ từ Mã Tốc cho đến hai tướng tác chiến trận Nhai Đình là Trương Hưu và Lý Thịnh, truy cứu trách nhiệm về thất bại quân sự. Sau cái chết của Mã Tốc, Gia Cát Lượng đích thân đến viếng, khóc thương mãi không thôi, ông cũng an ủi con trai và con gái của Mã Tốc, đồng thời đối xử tử tế với chúng như lúc Mã Tốc còn sống. Mã Tốc chết khi mới có 39 tuổi.

 

Vì sao Mã Tốc lại bị xử trảm

Gia Cát Lượng đã chọn Mã Tốc làm cố vấn quân sự cho mình, ý là muốn đề bạt Mã Tốc, chứ không trọng dùng hai danh tướng Ngụy Diên và Ngô Ý, nên đã bổ nhiệm Mã Tốc làm đô đốc tiên phong, một vị trí khá quan trọng trong quân đội, mục đích là muốn Mã Tốc có cơ hội rèn luyện kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Tiếc là Mã Tốc đọc nhiều binh thư nhưng thiếu kinh nghiệm trận mạc, lại mang bản tính cao ngạo tự cho mình là đúng, chủ trương tự tác, kết quả là mất đi Nhai Đình, khiến cho toàn bộ cục diện cuộc Bắc phạt của Gia Cát Lượng đang trên đà thắng thế bỗng hạ màn và chôn vùi trong tích tắc.

Nhưng mà, từ cổ chí kim có một câu nói bất hủ rằng “Thắng bại là chuyện thường tình của binh gia” (Thắng bại thị binh gia thường sự), những tướng bại trận không phải lúc nào cũng bị trừng trị bằng cái chết. Vậy vì sao Gia Cát Lượng cứ nhất định phải xử trảm Mã Tốc? Mã Tốc đã phạm phải những tử tội nào?

Vì sao Gia Cát Lượng cứ nhất định phải xử trảm Mã Tốc?
Vì sao Gia Cát Lượng cứ nhất định phải xử trảm Mã Tốc? (Ảnh chụp màn hình)

Lý do đầu tiên là bại trận, bởi vì trận Nhai Đình là chiến dịch trọng yếu nhất trong lần Bắc phạt này của Gia Cát Lượng, là đại sự then chốt, việc Mã Tốc bại trận đã trực tiếp ảnh hưởng đến thắng lợi vốn có thể đã nắm được trong lòng bàn tay, chưa kể là nó còn “đổ sông đổ biển” tất cả tâm huyết của Gia Cát Lượng bấy lâu. Tuy nhiên, tội danh này của Mã Tốc vẫn không nhất thiết phải bị xử tử.

Mà do Mã Tốc đã phạm một tội nặng thứ hai, chính là làm trái mệnh lệnh của chủ tướng. Thừa tướng đã căn dặn kỹ càng là phải kiên thủ trên đường lớn, Gia Cát Lượng đã ba lần nhắc nhở Mã Tốc rằng: “Nhai Đình tuy nhỏ nhưng là điểm then chốt. Nó là vị trí hiểm yếu dẫn đến Hán Trung. Nếu để mất Nhai Đình thì Bắc phạt tất bại.” Ngoài ra còn chỉ thị cụ thể: “Dựng trại bên núi gần nguồn nước, chú ý thận trọng và không phạm sai lầm”.

Tuy nhiên, sau khi Mã Tốc đến Nhai Đình đã không chiểu theo chỉ lệnh của Gia Cát Lượng bố trí quân đội cạnh núi gần sông, mà kiêu ngạo khinh địch, chủ trương cá nhân đem đại quân đóng ở trên núi cách xa nguồn nước. Khi ấy, phó tướng Vương Bình đề xuất: “Nhai Đình mà không có nguồn nước, không có đường vận chuyển lương thực, nếu một khi quân Ngụy bao vây Nhai Đình, cắt nước, tuyệt thóc, thì quân Thục chưa đánh đã tự loạn. Thỉnh chủ tướng tuân lệnh thừa tướng, làm theo lý pháp, cạnh núi gần sông, nhanh bố trí tinh binh.” 

Mã Tốc không những không nghe khuyên can mà còn tự phụ nói rằng: “Ta thông hiểu binh pháp, người người đều biết đến danh tiếng, ngay cả thừa tướng đôi khi còn thỉnh giáo ta, còn ngươi sinh trưởng trong quân lữ, tay còn không viết nổi chữ, liệu có biết gì về binh pháp chăng?” 

Tiếp theo còn tự mãn nói: “Trên núi đánh xuống, thế như chẻ tre, nơi tử địa mà sống được, đây chính là binh gia thường thức. Ta là đại tướng quân, ta tuyên bố dựng trại trên núi, quyết không đổi ý.”

Vương Bình khuyên ngăn một lần nữa: “Bày binh bố trận như vậy quá nguy hiểm.”

Mã Tốc thấy Vương Bình không phục thì nổi trận lôi đình và nói: “Thừa tướng bổ nhiệm ta làm chủ tướng, ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc chỉ huy quân đội. Nếu bại trận, ta cam tâm tình nguyện chịu cách chức chặt đầu, tuyệt đối không oán trách ngươi.”

Vương Bình một lần nữa nói lời nghiêm nghĩa chính: “Tôi có trách nhiệm với chủ tướng, có trách nhiệm với thừa tướng, có trách nhiệm với Hậu chủ, có trách nhiệm với bách tính nước Thục. Cuối cùng khẩn cầu chủ tướng tuân theo chỉ lệnh của thừa tướng, bố trí binh lính cạnh núi gần sông.”

Nhưng Mã Tốc vẫn cố chấp, tự cho là bản thân mình thông minh nên khăng khăng lập doanh trại trên núi, kết quả dẫn tới thất bại thảm hại. Trong quân đội thì phục tùng là điều quan trọng bậc nhất, quân lệnh như núi. Một kẻ không nghe hiệu lệnh, nếu vẫn có thể tha thứ, vậy quân đội đó liệu có còn pháp chế nữa chăng. Cho nên tội thứ hai này là đáng bị xử trảm.

Vương Bình khuyên Mã Tốc bố trí binh lính cạnh núi gần sông.
Vương Bình khuyên Mã Tốc bố trí binh lính cạnh núi gần sông. (Ảnh chụp màn hình)

Nếu Nhai Đình không thất thủ, quân đội Thục Hán đã có thể thông qua Nhai Đình mà tiến đến chiếm đóng Trường An, thực hiện kế hoạch Bắc phạt lâu dài của Gia Cát Lượng. Bại trận Nhai Đình khiến Gia Cát Lượng mất căn cứ tiền tuyến để tấn công Ngụy, mất điểm tựa chiến lược cho kế sách thống nhất tam quốc, khiến cho quân Thục bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng thống nhất Trung Nguyên, khôi phục nhà Hán.

Cho nên, đối với tất cả những gì Mã Tốc đã gây nên, không thể nói là không lớn, cũng không thể nói là không trảm. Sau khi trảm Mã Tốc, lưu truyền rằng khi võ sĩ dâng thủ cấp của Mã Tốc lên, Khổng Minh đã bật khóc không dứt. Tưởng Uyển hỏi ông rằng: “Người trẻ đắc tội, đã xử theo quân pháp, thừa tướng sao lại khóc?” 

Khổng Minh nói: “Ta không khóc vì Mã Tốc. Ta nghĩ đến Tiên hoàng lúc lâm chung tại thành Bạch Đế đã dặn ta rằng: ‘Mã Tốc là người khoác lác, lời nói phóng đại không thực tế, không thể giao phó đại sự. Đến hôm nay lời này đã trở thành sự thật, ta hận bản thân mình bất minh, hồi tưởng lại những lời của Tiên hoàng mà thống khổ khóc thôi!’” Nghe xong những lời này thì tướng sĩ lớn nhỏ đều không khỏi rơi lệ.

Qua đó có thể thấy rằng trong tâm của Gia Cát Lượng hối hận chẳng nguôi, không chỉ đơn giản là nỗi đau mất đi cơ duyên Bắc phạt, mà đau xót hơn là không nghe theo lời dặn lúc lâm chung của Tiên vương Lưu Bị. Có thể nói rằng, tài năng quân sự của Lưu Bị chỉ xếp hàng thứ hai, cũng không phải là xuất chúng, nhưng đạo tinh thông dùng người thì chưa bao giờ mảy may sơ xuất, vẫn là thiên hạ đệ nhất trong đối nhân xử thế. Lưu Bị có những thủ hạ như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, Ngụy Diên, sáu vị này đều được mệnh danh là Vạn Nhân Địch; ngoài ra còn có Gia Cát Lượng, Bàng Thống, Từ Thứ phi phàm xuất chúng; còn như Tưởng Uyển, Pháp Chính, Phí Y cũng đều là những nhân tài trị quốc hiếm có.

 

Lưu Bị sớm đã nhìn rõ bản chất của Mã Tốc là người không thực tế. Vì vậy mà trước lúc lâm chung tại thành Bạch Đế đã căn dặn kỹ càng rằng không được trọng dùng Mã Tốc, nói thẳng ra là con người ấy quá khoa trương khoác lác, thích khoe khoang, rất không đáng tin cậy. Có thể thấy rằng tầm nhìn của Lưu Bị là độc nhất vô nhị!

Thực ra thì Mã Tốc cũng không phải là người chỉ có hư danh, rõ ràng cũng là một tướng tài có danh vọng nhưng vì sao lại dẫn tới bại trận và bị xử tội chết? 

Hậu nhân cho rằng nguyên nhân then chốt là tâm háo danh quá mạnh mẽ. Trước khi Mã Tốc được nhiều người biết đến, ông là người dụng tâm học hành chăm chỉ và khiêm tốn. Sau đó dần dần lập công trong quân đội, được quần thần và dân chúng khen ngợi tài năng khiến cho tâm danh lợi bị dẫn động, từ đó bành trướng tự ngã.

Như Mã Tốc từng nói với Vương Bình ở Nhai Đình rằng “Ta xưa nay đọc binh sách, thừa tướng Gia Cát còn hỏi ý ta nữa là”. Chỉ một câu nói này thôi đã thể hiện quá rõ Mã Tốc là người cực kỳ tự cao tự đại, có lẽ trong mắt ông còn không có thừa tướng Gia Cát Lượng, ngay cả mệnh lệnh của thừa tướng mà ông còn không coi trọng, thì nói chi đến lời của Vương Bình phó tướng. Từ cổ chí kim, kẻ sĩ kiêu ngạo thường khó tránh được chữ bại, Mã Tốc không chỉ là kẻ kiêu ngạo mà thực sự là một kẻ hết sức cuồng ngạo, coi thường binh pháp nên cuối cùng đã dẫn đến cái chết bi thảm khi tuổi đời còn rất trẻ và đang trên đỉnh cao ở chốn quan trường.

Thiết nghĩ, Gia Cát Lượng là bậc thầy quân sự như vậy mà chuyện gì cũng tham vấn Mã Tốc, ấy chẳng phải là thiện ý của chủ tướng muốn nâng Mã Tốc lên một tầm cao hơn rồi sau đó đề bạt trọng dụng là gì, chứ nào đâu vì Gia Cát thừa tướng không có khả năng phân tích chiến sự, nhưng Mã Tốc không nhìn ra được điểm này, tự đánh giá bản thân quá cao. Mã Tốc vì danh mà chết, cái tâm danh lợi ấy, chẳng đúng hại người hại mình hay sao? Quốc gia cũng vì đó mà lâm nguy, nếu không có Gia Cát Lượng với tấm lòng tận trung báo quốc “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” thì giang sơn nhà Hán của Lưu Bị đã sớm tiêu vong rồi. Nên mới nói, Mã Tốc vì danh mà chết, một bài học sâu sắc để lại cho hậu nhân, vậy chúng ta còn không mau bỏ đi cái tâm hư danh ấy ư!

Cao Nguyên

Theo Sound of Hope

Đăng theo NTDVN

Các bài khác
Bài Xem Nhiều Nhất
BÍ ẨN
SỰ THẬT
CỬU TỰ CHÂN NGÔN
VIDEO
ẢNH ĐẸP