49 nhà lập pháp bang Virginia (Mỹ) gần đây đã soạn thảo một lá thư gửi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, kêu gọi ông nâng cao nhận thức về tình trạng đàn áp các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, theo tờ The Epoch Times.

Tháng 7 vừa qua đánh dấu 21 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần với các bài tập thiền định cùng các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn.

49 nhà lập pháp Mỹ viết thư gửi Ngoại trưởng Mỹ, thúc giục ông kêu gọi ĐCSTQ chấm dứt đàn áp Pháp Luân Công trong một bức thư đề ngày 29/7/2020 (ảnh chụp màn hình The Epoch Times).

Được giới thiệu lần đầu ra công chúng tại Trung Quốc vào tháng 5/1992, Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) đã nhanh chóng trở nên phổ biến không chỉ tại đại lục mà còn trên khắp thế giới. Đến năm 1999, có đến 100 triệu người dân Trung Quốc – tức khoảng 1 trong 13 người Trung Quốc – đang theo tập Pháp Luân Công, theo báo cáo của chính quyền.

Ngày 20/7/1999, người đứng đầu ĐCSTQ lúc đó là Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với môn tập. Chính quyền đã giam giữ các học viên trong các nhà tù, trại giam và trung tâm tẩy não. Hàng vạn người đã chết vì bị tra tấn, theo Minh Huệ, trang web chính thức của Pháp Luân Công.

Bức thư của các nhà lập pháp

Trong thư, các nhà lập pháp đã mô tả các phương pháp tra tấn mà chính quyền Trung Quốc sử dụng đối với những người theo tập, chiểu theo mô tả của những học viên Pháp Luân Công sống sót qua cuộc đàn áp hiện đang tị nạn tại Mỹ và cư trú tại Virginia.

“Bị khóa cứng trên chiếc giường tử thần, tứ chi bị trói ra 4 bên”, “Bị còng tay và bị treo lên trong tư thế đau đớn”, “Bị bức thực” “Bị tra tấn bằng điện cao thế”, “Không được ngủ trong ba ngày”… bức thư liệt kê danh sách các biện pháp tra tấn mà các học viên phải chịu đựng.

Bức thư có chữ ký của 12 thượng nghị sĩ bang Virginia và 37 dân biểu bang Virginia, đại diện cho khoảng 35% nghị sĩ cơ quan lập pháp của bang.

Bức thư được 49 nhà lập pháp bang Virginia viết gửi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đề ngày 29/7/2020 (ảnh: The Epoch Times).

Ông David Bulova, một đảng viên Đảng Dân chủ đại diện cho Khu vực Quốc hội thứ 37 của Virginia – trung tâm Fairfax, Virginia – giải thích rằng ông đã bị buộc phải hành động sau khi gặp gỡ các học viên Pháp Luân Công tại địa phương.

“Cuộc gặp gỡ đã diễn ra hết sức xúc động, nó khiến tôi thực sự muốn làm gì đó để thu hút sự chú ý của công chúng đối với hoàn cảnh của họ”, ông Bulova nói.

Ông David Bulova là dân biểu đại diện cho Khu vực Quốc hội 37 của Virginia tại trung tâm Fairfax, Virginia (ảnh: Văn phòng David Bulova).

Ông nói thêm rằng ông và các đồng nghiệp hy vọng có thể “sử dụng các lực lượng kinh tế và đạo đức để thu hút sự chú ý và yêu cầu sự thay đổi”, đồng thời dự định gửi thư cho thống đốc và ủy viên y tế bang.

Trong thư, các nhà lập pháp kêu gọi: “Chúng tôi kêu gọi sự lãnh đạo của ngài Ngoại trưởng, lợi dụng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ, để đảm bảo rằng năm tới chúng ta không phải chứng kiến năm thứ 22 diễn ra cuộc đàn áp này”.

Cưỡng bức thu hoạch nội tạng

Bức thư cũng nêu bật những cáo buộc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang xảy ra ở Trung Quốc, trong đó các tù nhân lương tâm, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, là nguồn cung nội tạng. Các nhà lập pháp bày tỏ quan ngại nhiều người Mỹ đến Trung Quốc ghép tạng không biết rằng nguồn nội tạng họ nhận được đến từ các tù nhân chính trị. 

Các nhà lập pháp kêu gọi chính phủ Mỹ tăng cường “nỗ lực phổ cập tuyên truyền” trong cộng đồng Mỹ để “giảm thiểu nhu cầu [ghép tạng] góp phần thúc đẩy hành vi sai trái này”.

“Ghép tạng là một kỳ tích khoa học và có thể là một nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng muốn mang lại món quà sự sống cho người khác. Tuy nhiên, việc ghép tạng không thể được tiến hành bằng vũ lực hoặc sự ép buộc”, bức thư nêu rõ.

Tháng 6/2019, một tòa án độc lập ở London đã đi đến kết luận, sau quá trình điều tra kéo dài một năm, rằng vấn nạn cưỡng bức thu hoạch tạng đã diễn ra ở Trung Quốc suốt nhiều năm “với quy mô đáng kể”, và các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng chính. 

Trong phán quyết cuối cùng vào tháng 3, tòa án cho biết tội ác xâm phạm nhân quyền này vẫn đang diễn ra, rằng “hành vi tàn bạo ngoài vòng kiểm soát này đã khiến nhiều người phải chết một cách khủng khiếp và vô nghĩa”.

Các cáo buộc về nạn cưỡng bức thu hoạch tạng xuất hiện lần đầu vào năm 2006, khi một nhóm hoạt động nhân quyền và hai nhân chứng từ Trung Quốc mô tả hoạt động này trong các trại tập trung của ĐCSTQ. 

Kể từ đó, các nhà nghiên cứu độc lập đã công bố các báo cáo với nhiều bằng chứng hơn về việc mổ cướp nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc.

Gần đây nhất, các chuyên gia về đạo đức ghép tạng đã bày tỏ quan ngại về thời gian chờ đợi mau chóng để được ghép tạng tại một bệnh viện Trung Quốc, khi họ tìm được nguồn cung tạng để ghép phổi cho những bệnh nhân bị tổn thương phổi do COVID-19 chỉ trong vài ngày, trong khi ở các nước phương Tây có tỷ lệ hiến tạng cao, bệnh nhân thường phải chờ vài năm.

“Chỉ có mổ cướp nội tạng từ các tù nhân đã được thu thập thông tin về mẫu máu mới có thể đáp ứng được khoảng thời gian đó”, ông Marion Smith, giám đốc Tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản (VOC – Victims of Communism Memorial Foundation), kết luận trên một bài báo đăng trên tờ National Review.

Theo ĐKN